ECB không nâng mức thanh khoản cho Hy Lạp

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chiều 6/7 đã quyết định không mở rộng chương trình Hỗ trợ Thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp, tức giữ nguyên mức ELA vào khoảng 89 tỷ euro như thông báo đầu tuần trước.

Trong quyết định, Hội đồng thống đốc ECB nêu rõ, ngân hàng này đã quyết định giữ nguyên mức ELA cho các ngân hàng Hy Lạp như đã được quyết định từ ngày 26/6.

Trụ sở Ngân hàng ECB ở Frankfurt am Main, miền tây nước Đức. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo ECB, tình hình tài chính của Hy Lạp đã có tác động tới các ngân hàng nước này do khối tài sản ký quỹ sử dụng trong ELA lại phụ thuộc đáng kể vào quy mô các tài sản liên quan tới Chính phủ Hy Lạp. Do vậy, ECB đã quyết định điều chỉnh giảm quy mô tài sản ký quỹ của Ngân hàng trung ương Hy Lạp sử dụng trong ELA.

Vấn đề của các ngân hàng Hy Lạp hiện nay là sắp cạn tiền mặt và nếu không được ECB bơm bổ sung, Ngân hàng trung ương Hy Lạp sẽ sớm cạn sạch tiền và không thể vận hành các công cụ của mình.

Để kiểm soát nguồn vốn, Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp Dimitris Mardas và đại diện các ngân hàng Hy Lạp đã nhất trí đóng cửa các ngân hàng cho tới ngày 8/7 tới. Tuy nhiên, khách hàng vẫn có thể rút 60 euro/ngày tại các máy rút tiền tự động.

Pháp, Đức để ngỏ cánh cửa đàm phán tiếp với Hy Lạp

"Cánh cửa đã lại mở cho các cuộc thương lượng tiếp theo" là tuyên bố được Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra sau cuộc gặp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo vào chiều tối ngày 6/7 tại Paris.

Tuyên bố này cho thấy nỗ lực của lãnh đạo hai nước được coi là đầu tàu dẫn dắt toàn bộ châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp nhằm giải quyết "cuộc khủng hoảng hậu trưng cầu ý dân Hy Lạp".

Tuy nhiên, ông Hollande cũng lưu ý "giờ là lúc Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cần phải đưa ra những đề xuất nghiêm túc, đáng tin và mong muốn ở lại eurozone cần được thể hiện bởi một kế hoạch có tính dài hạn".

Thủ tướng Đức Angela Merkel thì nhấn mạnh thêm rằng "hiện chúng tôi đang đợi những đề xuất cụ thể từ phía Thủ tướng Hy Lạp, và giờ đã là thời điểm rất gấp để nhận những đề xuất này từ đó chúng ta có thể tìm thấy một lối thoát cho tình hình hiện nay".

Người dân Hy Lạp ăn mừng tại thủ đô Athens sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố. Ảnh: THX/TTXVN


Bà Merkel cũng cho rằng cần phải tính đến "phản ứng của 18 nước còn lại trong eurozone sau cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp ngày 5/7 bởi đó là nền dân chủ và chúng ta chia sẻ một chủ quyền chung, vậy thì tất cả cần có trách nhiệm và thể hiện tình đoàn kết".

Quan điểm thống nhất của hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức sau cuộc gặp tối 6/7 sẽ là cơ sở nền tảng tại cuộc gặp thượng đỉnh lãnh đạo 19 nước khu vực đồng euro diễn ra vào tối ngày 7/7 tại Brussels.

Tuy nhiên, theo tinh thần Tuyên bố Pháp-Đức tại cuộc họp báo chung của Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel, ngay từ thời điểm này, Hy Lạp và cả châu Âu có thể hy vọng vào một thỏa hiệp nhằm giữ Hy Lạp ở lại khu vực Eurozone với những nhượng bộ từ phía các chủ nợ và các đề xuất mới nghiêm túc và đáng tin cậy từ phía chính phủ Hy Lạp.

Chính giới CH Séc nghiêng về khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone

Thủ tướng CH Séc Bohuslav Sobotka ngày 6/7 đã đưa ra bình luận về kết quả cuộc trung cầu ý dân ở Hy Lạp được tổ chức hôm 5/7, trong đó đa số người dân đã bác bỏ kế hoạch cải cách và chi tiêu khắc khổ do các chủ nợ quốc tế, gồm EU, ECB và IMF đưa ra để đổi lấy cứu trợ cho nước này.

Ông Sobotka tuyên bố rằng người Hy Lạp đã "lựa chọn phương án trả lời tồi tệ nhất cho câu hỏi được đặt ra" và giờ đây ông không thể hình dung được làm thế nào để giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro.

Thủ tướng CH Séc cho rằng quyết định của người Hy Lạp sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cho bản thân nước này cũng như toàn châu Âu. Theo ông Sobotka, "không thể giữ Hy Lạp ở lại trong eurozone trái với ý nguyện của nước này".

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính CH Séc Andrej Babis bày tỏ ý kiến cứng rắn hơn. Theo ông Babis, lẽ ra đã không nên chấp nhận Hy Lạp vào eurozone.

Còn Chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Pavel Belobradek thì chỉ trích quyết định của người Hy Lạp đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nước khác.

Chủ tịch đảng Dân chủ Công dân Séc Petr Fiala cho rằng nên có thái độ tôn trọng đối với quyết định của người Hy Lạp, song cần đình chỉ "loạt khoản vay không có hiệu quả về kinh tế và vô nghĩa cho nền kinh tế Hy Lạp".

Về phần mình, cựu Bộ trưởng Tài chính Séc, một trong những thủ lĩnh của phong trào TOP 09, Miroslav Kaloucek thì tin chắc rằng Hy Lạp sẽ sớm rời khỏi eurozone.

TTXVN/Tin tức
IMF tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp
IMF tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định thể chế tài chính này sẽ hỗ trợ Hy Lạp trong trường hợp được yêu cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN