Ngày 6/7, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định thể chế tài chính này sẽ hỗ trợ Hy Lạp trong trường hợp được yêu cầu.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân một ngày trước đó cho thấy đa số người dân Hy Lạp nói "Không" với các biện pháp kinh tế khắc khổ do các chủ nợ quốc tế đưa ra.
Bà Christine Lagarde (phải). Ảnh: THX/TTXVN |
Bà Lagarde cho hay IMF lưu tâm tới kết quả cuộc trưng cầu ý dân mà chính
phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras khởi xướng. Bà nhấn mạnh IMF theo dõi
sát sao tình hình này và sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp nếu như nhận được yêu
cầu làm như vậy.
Kết quả kiểm phiếu chính thức cuộc trưng cầu ý
dân tại Hy Lạp cho thấy 61,31% cử tri "xứ sở thần thoại" đã bác bỏ kế
hoạch cải cách và chi tiêu khắc khổ do các chủ nợ quốc tế (gồm Liên minh
châu Âu - EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế
- IMF) đưa ra để đổi lấy cứu trợ cho nước này. Trong khi đó, chỉ có
38,69% nói "có" với các điều kiện chủ nợ đề ra, thấp hơn so với những
cuộc khảo sát trước đó.
Hiện tại, mọi sự quan tâm đều đang đổ dồn vào động thái của ECB, thể chế duy nhất có khả năng ngăn chặn kịch bản nền kinh tế Hy Lạp sụp đổ và phòng ngừa sự xáo trộn trên thị trường chứng khoán thế giới.
Trước tình hình này, lãnh đạo năm chính đảng ở Hy Lạp, trong đó có 3 chính đảng đối lập, đã ký một tuyên bố chung ủng hộ Thủ tướng Alexis Tsipras trong cuộc đàm phán chung vào ngày 7/7 tại hội nghị thượng đỉnh các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Brussels, Bỉ.
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos , đồng thời là thành viên trong đảng liên minh cầm quyền với đảng Syriza, nhấn mạnh không có lựa chọn nào hơn là một thỏa thuận. Theo ông Kammenos, một tuyên bố chung được lãnh đạo tất cả các chính đảng thông qua sẽ tăng thêm sức mạnh cho Thủ tưởng Tsipras trong tiến trình thương lượng.
Tổng thống Nga ủng hộ người dân Hy Lạp vượt khó khăn
Ngày 6/7, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định sự ủng hộ người dân Hy Lạp vượt qua "những khó khăn" hiện nay sau khi họ nói "Không" với những yêu sách do các chủ nợ đưa ra để đổi lấy các khoản cứu trợ.
Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết cuộc thảo luận được tiến hành theo đề xuất của phía Hy Lạp, đồng thời tiết lộ hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về "một số vấn đề liên quan tới tăng cường phát triển quan hệ hợp tác Nga-Hy Lạp".
Hy Lạp dự định ân xá người trốn thuế để thu hút vốn Theo
tuần san NZZ am Sonntag của Thụy Sỹ, Hy Lạp đang xem xét một lệnh ân xá
dành cho những người dân nước này trốn thuế bằng cách "giấu tiền" ở các
ngân hàng Thụy Sỹ. Đây là một nỗ lực của Athens để thu hút nguồn tiền
về cho đất nước đang chìm trong núi nợ này.
Người dân Hy Lạp xếp hàng rút tiền tại cây ATM ở Athens. Ảnh: Reuters |
Tờ
NZZ am Sonntag dẫn các nguồn thạo tin cho hay, những người dân Hy Lạp
trốn thuế bằng cách gửi tiền vào những tài khoản ngân hàng bí mật ở Thụy
Sĩ sẽ được hưởng ân xá nếu họ nộp thuế, tương đương 21% tổng giá trị
tài sản đã bị che giấu.
Lượng tài sản trốn thuế của công dân Hy
Lạp trong các tài khoản không công bố ở ngân hàng Thụy Sỹ ước tính vào
khoảng 2 tỷ euro đến 200 tỷ euro. Chính phủ Hy Lạp đã cam kết sẽ khắc
phục tình trạng trốn thuế, hành động làm trầm trọng hơn những khó khăn
tài chính mà Athens đang đối mặt.
Người phát ngôn Bộ Tài chính
Thụy Sỹ xác nhận đề xuất ân xá của Hy Lạp, song từ chối bình luận về nội
dung cụ thể. Thụy Sỹ từ lâu nay luôn duy trì "bảo bối" bí mật ngân hàng
khiến nước này trở thành một nơi lý tưởng cho những người giàu có nước
ngoài che giấu tài sản để trốn thuế. Tuy nhiên, dưới sức ép quốc tế,
luật bí mật ngân hàng đang dần được dỡ bỏ, và các ngân hàng nước này
phải cam kết thực hiện quy định về tự động trao đổi thông tin thuế dự
kiến được triển khai từ năm 2018.