Cùng với đồng bào cả nước, người H’rê ở Quảng Ngãi chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất với những lễ vật riêng đầy ý nghĩa. Đây cũng là cách để đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong cuộc sống đương đại. Tại huyện Sơn Hà, những người đồng bào dân tộc H’rê đang khẩn trương làm những vật dụng từ tre nứa và lá cây thiên nhiên để gia đình bày biện lễ vật cúng Giàng trong dịp đầu năm mới.
Người H’rê quan niệm, những vật dụng này có ý nghĩa xua đuổi tà ma, rước lộc vào nhà. Ông Đinh Văn Bon, xã Sơn Trung (huyện Sơn Hà) cho biết: Từ xưa đến nay thấy ông bà, cha mẹ làm vậy, mình cứ tiếp nối và làm theo phong tục. Mình chỉ cho các bạn trẻ cách làm các vật dụng cũng như trang trí ban thờ, nhà cửa dịp Tết sao cho vừa giữ được nét riêng của đồng bào H’rê vừa phù hợp với văn hóa của người Việt hiện nay.
Theo phong tục truyền thống của người H’rê, bánh tét (bánh Gagu) là lễ vật thiêng liêng không thể thiếu trong ngày Tết. Do đó, dẫu có khó khăn đến mấy, hầu hết các gia đình người H’rê vẫn cố gắng chuẩn bị bánh tét để đón Tết. Chị Đinh Thị Lưu, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà cho hay: Sau khi thu hoạch lúa rẫy, phụ nữ sẽ chọn ra những nắm lúa đẹp nhất để giã lấy gạo gói bánh tét cúng thần núi, thần cây, cúng tổ tiên, cầu mong một năm mới mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.
Đồng bào Cadong ở Quảng Ngãi sống tập trung chủ yếu ở huyện vùng cao Sơn Tây. Ngoài đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, người Cadong còn tổ chức đón Tết truyền thống của dân tộc mình. Thời gian ăn Tết của người Cadong thường diễn ra từ cuối tháng 12 Âm lịch năm trước đến đầu tháng Giêng năm sau. Tết là dịp người dân trong làng quây quần bên nhau sau một năm lao động vất vả và cầu chúc cho nhau một năm mới an lành, mùa màng tốt tươi.
Chuẩn bị đón Tết truyền thống của đồng bào Cadong cũng là dịp đón Tết cổ truyền chung của người Việt. Vào những ngày sắp Tết, đàn ông, con trai trong gia đình đồng bào Cadong trang hoàng lại nhà cửa, các mẹ, chị em phụ nữ đảm nhận việc bếp núc. Năm nay, nhờ làm ăn khấm khá, gia đình chị Đinh Thị Thiêu, ở xã Sơn Long, huyện vùng cao Sơn Tây chuẩn bị đón Tết truyền thống của dân tộc mình lớn hơn mọi năm.
Chị Thiêu chia sẻ: Đón Tết năm nay lớn hơn năm trước do làm ăn khấm khá nên mình mổ heo, gà, bày rượu cần để mời bà con họ hàng qua chơi. Tết truyền thống của đồng bào Cadong là dịp để mọi người sum vầy sau một năm làm nương, làm rẫy vất vả. Đây cũng là dịp để bà con trong làng thắt chặt thêm tình đoàn kết, cùng tương trợ, giúp đỡ nhau để vươn lên trong cuộc sống.
Tết truyền thống của đồng bào Cadong chỉ diễn ra trong 3 ngày. Tuy nhiên, mỗi làng có một ngày riêng nên Tết thường kéo dài trong nhiều ngày vì bà con vui Tết từ làng này sang làng khác. Đón Tết truyền thống của đồng bào Cadong, những ngày này trên khắp bản làng ở huyện vùng cao Sơn Tây rộn ràng tiếng cồng chiêng.
Ông Võ Thìn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây cho biết: Huyện chú trọng khơi dậy bản sắc văn hóa đối với đồng bào Cadong. Ngoài việc vui Tết cổ truyền chung cùng cả nước, ở các khu dân cư, người dân tổ chức vui Tết, đón Xuân với những bài ca mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc như hát Ca lêu, Ca choi, đánh chiêng năm mới.