Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước hòa nhập vào xu hướng đổi mới của giáo dục Việt Nam, cũng như giáo dục thế giới, các địa phương trong cả nước đã chủ động triển khai những mô hình thí điểm giáo dục.
Nâng cao chất lượng học sinh bằng VNEN
Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, ngành giáo dục Đà Nẵng đã triển khai thí điểm thành công "Mô hình trường học mới" tại Việt Nam (VNEN), một mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, đồng thời tạo bầu không khí nhẹ nhàng và thân thiện trong lớp học.
Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) ôn luyện môn sinh học. |
Mô hình VNEN bắt đầu được áp dụng tại trường tiểu học Hòa Phú (huyện Hòa Vang) từ năm học 2012 - 2013, tại 12 lớp, với gần 200 học sinh các khối 2, 3 và 4. Với mô hình này, mỗi bài học được chia thành các nội dung: Hoạt động cơ bản, thực hành và ứng dụng. Tùy từng môn học mà tài liệu sẽ có sự thiết kế phù hợp với hoạt động cá nhân, cặp đôi hoặc các nhóm từ 3 - 4 học sinh. Các em được đặt câu hỏi, tiến hành thảo luận nhóm, đồng thời có thể hỗ trợ lẫn nhau nếu cần sự giúp đỡ... Các hoạt động này đều diễn ra dưới sự quan sát và điều tiết của giáo viên.
Bên cạnh đó, mô hình còn hướng tới sự phối hợp thường xuyên giữa nhà trường và gia đình, nhằm giúp học sinh phát huy tối đa tư duy sáng tạo, nâng cao tính chủ động và mạnh dạn trong môi trường đông người. Đồng thời, hỗ trợ giúp các em từ tìm hiểu kiến thức, cho đến ứng dụng vào thực tiễn ngay trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo đánh giá của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) thành phố Đà Nẵng, sau hai năm thí điểm mô hình, chất lượng học sinh từng khối lớp của trường tiểu học Hòa Phú đã được nâng cao, tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng 2,3%, không có học sinh yếu.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT thành phố Đà Nẵng khẳng định: Mô hình là một bước đi đột phá giúp cho học sinh phát huy tối đa khả năng học tập và sáng tạo của mình, vì vậy trong những năm học tới, Sở GD - ĐT khuyến khích các trường có điều kiện mạnh dạn áp dụng mô hình này. Cũng theo ông Nguyễn Minh Hùng, Sở sẽ tiến hành khảo sát các trường trên địa bàn thành phố để nhân rộng mô hình tại khoảng 20 trường. Các trường tiểu học phải đảm bảo 3 điều kiện: Dạy học 2 buổi/ngày; có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và được bồi dưỡng cũng như tập huấn nghiệp vụ về mô hình mới; sĩ số học sinh mỗi lớp không quá 35 em.
Thí điểm dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh
Từ học kỳ II năm học 2013 - 2014, Sở GD - ĐT tỉnh Nam Định đã thí điểm dạy các môn tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học) bằng tiếng Anh tại 13 trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh. Đây là đề án của Bộ GD - ĐT được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Ông Mai Thanh Quế, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD - ĐT Nam Định, cho biết: Việc dạy thí điểm chỉ tổ chức trong 1 - 2 tiết, không dạy toàn thời gian. Cụ thể, 5 trường THPT chất lượng cao tổ chức dạy ít nhất 2 tiết đối với mỗi môn tự nhiên; 7 trường khác gồm THPT Nguyễn Khuyến, THPT Hoàng Văn Thụ, THPT Lê Quý Đôn, THPT Xuân Trường B, THPT Nam Trực, THPT A Nghĩa Hưng, THPT Trực Ninh, dạy ít nhất 1 tiết.
Để triển khai mô hình này, Sở GD - ĐT Nam Định yêu cầu các trường chọn giáo viên có năng lực tốt cả về chuyên môn và tiếng Anh tham gia giảng dạy. Giáo viên có thể lựa chọn các tiết dạy trong sách giáo khoa hoặc chuyên đề tự chọn thuộc chương trình THPT; giáo án của giáo viên được chuẩn bị bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Trước khi thực hiện giảng dạy, giáo viên bộ môn tự nhiên phải phối hợp với giáo viên tiếng Anh cung cấp cho học sinh từ vựng, thuật ngữ và cấu trúc tiếng Anh liên quan đến bài học. Các trường tham gia giảng dạy thí điểm tổ chức hội thảo sau buổi dạy để trao đổi, rút kinh nghiệm.
Những mô hình thí điểm này là bước đầu tiên cho những cải tiến lớn của giáo dục Việt Nam trong thời gian tới, với mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học sinh.
Võ Văn Tứ - Thùy Linh