Mỗi “cụ” mắc khoảng 6 -7 bệnh“Điều tra về thực trạng sức khỏe NCT (NCT) mới nhất của Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Bộ môn Y học gia đình, ĐH Y Hà Nội cho thấy, trung bình một cụ (từ 80 tuổi trở lên) mắc từ 6 - 7 bệnh. Các bệnh thường gặp gồm: Tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…”, GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc BV Lão khoa Trung ương, cho biết.
Khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Theo GS.TS Phạm Thắng, vì NCT mắc nhiều bệnh cùng một lúc nên triệu chứng thường không điển hình, chẩn đoán phức tạp, phải dùng nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ tai biến do điều trị. Do vậy, cách tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị thường khó và có nhiều điểm khác với các nhóm tuổi khác. Đó cũng là lý do vì sao nhiều chuyên khoa “ngại” tiếp nhận điều trị cho NCT.
Thống kê cho thấy, NCT là nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ y tế nhiều nhất. Ước tính chi phí y tế ở NCT thường cao gấp 7 - 10 lần người trẻ; mặc dù hiện chỉ chiếm hơn 10% dân số nhưng NCT sử dụng hơn 50% tổng lượng thuốc của toàn xã hội. Trong khi theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới thì việc đáp ứng chăm sóc cho NCT tại Việt Nam còn rất hạn chế.
Hiện nay, phần lớn NCT được chăm sóc y tế trong hệ thống y tế chung, cùng với các đối tượng khác. Mặc dù theo Luật NCT, các bệnh viện phải thành lập Khoa lão, tuy nhiên qua kiểm tra hiện tại chỉ có khoảng 40 - 50% các bệnh viện đa khoa tỉnh có Khoa lão, chủ yếu là lồng ghép với khoa khác. Nội dung hoạt động của các khoa này cũng chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu nhân lực được đào tạo, cơ sở vật chất còn rất hạn chế. Hầu hết các bệnh viện cũng chưa tổ chức phòng khám riêng cho NCT tại khoa khám bệnh.
Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe nói chung, nội dung về chăm sóc sức khỏe cho NCT tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, cũng rất “khiêm tốn”. Hoạt động lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe NCT còn rất hạn chế, chủ yếu chỉ hiệu quả khi có sự hỗ trợ từ các dự án. Một số trạm y tế xã đã phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho NCT, tuy nhiên tỷ lệ bao phủ thấp, và không toàn diện. Các dịch vụ hỗ trợ khác cho NCT tại cộng đồng còn rất hạn chế.
Đẩy mạnh chăm sóc tại cộng đồng Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT, PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Đặc thù ở NCT là mắc nhiều bệnh phối hợp, chi phí khám chữa bệnh lớn, nhu cầu chăm sóc sẽ ngày một tăng. Tuy nhiên, không phải NCT nào cũng cần sự trợ giúp của xã hội. Do đó, Bộ Y tế dự kiến sẽ triển khai một nghiên cứu tổng thể về thực trạng NCT, xem NCT thực sự cần hỗ trợ gì và tỷ lệ đó là bao nhiêu. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ xây dựng và đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.
“Chiến lược mà Bộ Y tế hướng tới là tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ y tế cho NCT tại tuyến y tế cơ sở, kết hợp lồng ghép với mô hình Bác sĩ gia đình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đồng thời khuyến khích các thành phần xã hội tham gia công tác chăm sóc sức khỏe NCT nhằm tạo thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả chăm sóc NCT”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định.
Riêng về vấn đề đẩy mạnh đào tạo nhân lực và thành lập các Khoa lão tại các bệnh viện để điều trị và chăm sóc cho các đối tượng cao tuổi mắc nhiều bệnh lý phức tạp cùng một lúc, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho hay, ngày 15/10/2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 35, về hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT. Theo đó, các bệnh viện, trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, có trách nhiệm: Tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT; phục hồi sức khoẻ cho người bệnh là NCT sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình...
“Tiến độ thành lập các khoa Lão tại các bệnh viện còn liên quan đến sự “vào cuộc” đôn đốc, hỗ trợ của các địa phương. Về phía Bộ Y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát tiến độ thực hiện Thông tư 35, chỉ đạo các Sở Y tế đẩy mạnh đề xuất với địa phương việc thành lập các Khoa lão; song song với đó là tích cực cử cán bộ đi đào tạo chuyên ngành lão khoa”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết.