Đã gần 10 năm sau ngày Mỹ cầm đầu liên quân đánh chiếm Iraq, nhưng cho đến nay, đất nước này vẫn chưa ngày nào im tiếng súng. Các cuộc đánh bom liều chết, đánh bom xe hay cài bom bên vệ đường vẫn xảy ra gần như thường nhật. Thành phố Basra ở miền Nam Iraq ngày 17/3 lại phải hứng chịu một vụ đánh bom làm gần 30 người thương vong.
Khói bốc lên từ một trong các vụ đánh bom ở thủ đô Iraq hôm 14/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người đứng đầu Ủy ban An ninh Hội đồng tỉnh Basra, ông Ali al-Maliki cho biết vụ đánh bom xe xảy ra vào khoảng 11 giờ sáng 17/3 (giờ địa phương) tại một trạm xe buýt, khiến 10 người thiệt mạng và 16 người bị thương. Vụ này xảy ra ngay sau một vụ đánh bom khác ở trung tâm Basra- thành phố cảng lớn nhất của Iraq, nhưng không gây thương vong.
Hiện chưa có nhóm nào thừa nhận là tác giả của các vụ đánh bom trên. Tuy nhiên, việc các phần tử nổi dậy bao gồm cả những đối tượng có liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda luôn nhắm mục tiêu vào dân thường, lực lượng an ninh và nhân viên chính phủ, nhằm làm giảm sút lòng tin đối với Chính phủ Iraq và gây bất ổn ở nước này.
Basra là khu vực xảy ra ít hơn các vụ tấn công bạo lực so với các khu vực khác của Iraq, đặc biệt là miền Trung, Tây và Bắc nước này. Theo một bản sao mà hãng tin AFP (Pháp) có được từ các nguồn tin an ninh và y tế, số vụ bạo lực đã giảm so với giai đoạn đỉnh điểm năm 2006 và 2007 khi các cuộc xung đột giáo phái nổ ra giữa hai cộng đồng người Hồi giáo Sunni và Shiite, nhưng 10 năm sau ngày Mỹ phát động cuộc chiến Iraq, các vụ tấn công bạo lực vẫn thường xuyên nổ ra và chỉ riêng trong tháng Hai vừa qua đã khiến 220 người thiệt mạng.
Theo số liệu do IBC - một tổ chức thống kê số người thiệt mạng ở Iraq, công bố ngày 17/3, có ít nhất 112.000 dân thường bị thiệt mạng trong 10 năm qua. IBC cho biết con số này có thể lên tới 174.000 người nếu tính gộp cả binh sĩ của các bên tham gia xung đột cũng như những trường hợp tử vong không được xác nhận.
TTXVN/Tin Tức