Dân tộc H’Rê - Kon Tum giữ nếp nhà sàn

Theo thời gian, đời sống, nhiều thói quen của bà con dân tộc H’Rê tại xã Pờ Ê, huyện Kon Plông (Kon Tum) dần thay đổi, các vật dụng trong nhà cũng được thay thế hợp thời công nghệ hiện đại. Duy chỉ có nếp nhà sàn là vẫn được đồng bào động viên nhau gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày hôm nay.

100% người dân tại xã Pờ Ê vẫn sống trong những mái nhà sàn truyền thống.

Anh A Sắp, Phó chủ tịch UBND xã Pờ Ê tự hào: “Người dân tộc H’Rê chiếm gần 100% dân số toàn xã. Chúng tôi từ khi sinh ra, lớn lên và chết đi đều ở trong mái nhà sàn truyền thống này. Cái gì cũng có thể thay đổi nhưng bà con không thể thay đổi thói quen ở trong nhà sàn, vì nó tạo nên văn hóa cộng đồng cũng như chứa đựng biết bao kỷ niệm của cha ông truyền lại. Chính quyền xã cũng động viên bà con gìn giữ nét truyền thống này vì đó là nét riêng của dân tộc cần được bảo tồn”.

Đường giao thông nông thôn vào đến các ngõ nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng các căn nhà kiên cố, nhưng nếp sống bà con Pờ Ê vẫn vậy, thích được sinh hoạt trên sàn nhà. Chúng tôi đến nhà anh A Hăm, thôn Vi Ô Lắc, căn nhà sàn vừa hoàn thành còn thơm mùi gỗ mới. Anh A Hăm tâm sự: “Làm nhà sàn ngày nay còn tốn tiền hơn làm nhà xây xi măng nhưng với văn hóa truyền thống của làng thì ai cũng làm nhà sàn để ở. Bản thân mình cũng thích ở trong nhà sàn hơn, tiện cho sinh hoạt, thoáng mát và tạo được tình đoàn kết trong gia đình”.

Tùy theo điều kiện mỗi gia đình mà kích thước của nhà sàn lớn, bé khác nhau. Kiến trúc nhà sàn truyền thống của người H’Re chủ yếu được xây dựng bằng gỗ, lợp mái tranh, nay tranh khan hiếm có gia đình lợp ngói, hay tôn thay thế. Theo quan niệm người xưa, mặt sàn cao hơn mặt đất trên 1m để đề phòng thú dữ quấy phá. Mái nhà sàn càng cao, càng tạo được sự thoáng mát của căn nhà. Sàn được lót bằng gỗ bào nhẵn, đi rất mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông.

Nhà được chia thành nhiều gian nhưng không được ngăn vách. Theo tâm linh của người H’Rê, ở giữa mỗi nhà đều có một cái cối giã gạo được đặt cố định và phía Đông, gần cửa chính ngôi nhà là vị trí đặt bếp củi đỏ lửa đêm ngày. Nhà sàn thường được người H’Rê làm theo hướng Bắc – Nam để đón gió mát mà không bị hắt nắng vào buổi chiều. Dưới sàn nhà được vệ sinh sạch sẽ, là nơi chất các đống củi ngay ngắn đợi mùa đông sưởi ấm cho đại gia đình.

Kiến trúc nhà sàn truyền thống của người H’Re chủ yếu được xây dựng bằng gỗ, lợp mái tranh.

Theo lời anh A Sắp, nhà sàn được làm trong vòng khoảng nửa tháng nhưng độ bền cao, chống chọi qua nhiều cơn mưa lũ rừng cùng cái nắng Tây Nguyên gay gắt. Mùa nắng ở trong nhà sàn rất thoáng mát, mùa đông giữ được ấm nhờ lượng gỗ bao quanh. Chính bởi nhà sàn không có vách ngăn nên các thế hệ ở trong nhà luôn được sống trong tình cảm chan hòa, đoàn kết.

Ông Đinh Thái, già làng Vi K’Oa cho biết: “Cả làng ai cũng như ai, nhà cũ cũng như làm nhà mới cũng phải là nhà sàn. Có những hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà thì họ cũng xin được làm theo kiểu nhà sàn truyền thống. Nhà sàn là văn hóa, là cái hồn của mỗi gia đình người H’Re chúng tôi nên bà con chỉ thích ở trong nhà sàn”.

Ngoài mái nhà của hộ dân đều là nhà sàn, tại các nhà văn hóa, nhà rông của làng trong xã Pờ Ê cũng được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống. Hiện 100% nhà ở của bà con tại xã Pờ Ê, tương đương với hơn 2.500 hộ dân người dân tộc H'Rê vẫn sống dưới nếp nhà sàn thân thuộc.

Bài, ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Lưu giữ nhà sàn truyền thống dân tộc Thái
Lưu giữ nhà sàn truyền thống dân tộc Thái

Tại nhiều địa phương, nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đã thay đổi cơ bản về cấu trúc cũng như cách làm cho phù hợp với điều kiện kinh tế và sinh hoạt. Nhưng ở tỉnh Lai Châu, đồng bào Thái vẫn giữ nguyên được bản sắc truyền thống của những ngôi nhà sàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN