Mỗi ngôi nhà, mỗi kiểu kiến trúc và không gian nhà sàn truyền thống của tộc người Cơ Tu ở huyện Tây Giang nói riêng và đồng bào người Cơ Tu nói chung đều mang đậm những giá trị văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật độc đáo cần được nghiên cứu, bảo tồn, phát huy một cách khoa học và bền vững.
Giá trị văn hóa: Có thể tìm thấy nhiều yếu tố và biểu tượng của nền văn hóa Đông Sơn, văn minh Sa Huỳnh còn lưu giữ trong nhà sàn, nhà ở riêng, nhà dài, nhà Gươl người Cơ Tu cũng như các tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Đó là sàn được cất cao, hai bên ngoài ở hai đầu hồi nhà sàn ở riêng, nhà dài, nhà Gươl thường khắc họa hai con gà trống (ta coai), với tư thế vươn cổ gáy cao hay hình con vật khác theo ý niệm của làng; và nhìn từ xa xa trông giống như hai con trâu đực nằm nối đuôi, hướng hai đầu hai phía biểu hiện sức mạnh của làng, của dân tộc Cơ Tu và tạo nên tính uy nghiêm của một vùng quê miền núi, non nước thanh bình và yên ấm.
Nhà của người Cơ Tu ở Tây Giang. |
Nét điêu khắc độc đáo trên nóc nhà và những hình ảnh mặt nạ, chặm khắc sinh động trên ngôi nhà Gươl của người Cơ Tu ở Tây Giang. |
Bên trong ngôi nhà, nhất là nhà Gươl, các biểu tượng mặt trời, mặt trăng trên cột cái, trên nóc nhà, trên các đồ dùng hàng ngày cùng họ lên nương lên rẫy; các gam màu đen trắng chủ đạo được tô vẽ trong nhà, các biểu tượng này phản ánh quan niệm về âm - dương, dấu ấn tín ngưỡng tô tem về nước, lửa trong vũ trụ quan của người Đông Sơn cổ đại.
Giá trị kiến trúc: Kiến trúc khung nhà dài, nhà ở riêng cũng như nhà Gươl của người Cơ Tu nói riêng và của các tộc người Tây Nguyên khác nói chung thuộc loại kiến trúc độc đáo. Các nguyên vật liệu tại chỗ như gỗ, tre, lạt, dây mây, song với các loại mộng, ngoàm đơn giản được khoét bằng rìu, rựa, dao, phối với nhau hợp lý, tạo kết cấu chịu lực tối ưu. Bộ khung nhà tưởng như mỏng manh nhưng chắc chắn, đủ sức chống chọi với nắng mưa, gió bão ở khu vực nắng nóng mưa nhiều.
Từ những vật liệu và công cụ thô sơ, bàn tay tài hoa của người Cơ Tu Tây Giang đã sáng tạo nên những công trình kỳ vĩ mang hồn sống cho cả một dân tộc. |
Giá trị nghệ thuật: Các nhà họa sỹ, nhà điêu khắc có thể tìm thấy ở nhà Gươl, nhà dài của người Cơ Tu nhiều biểu tượng nghệ thuật vừa nguyên sơ vừa độc đáo. Đó là các hình vẽ, chạm khắc các loại chim thú, cỏ cây, mặt trăng, mặt trời, hình mặt người... tưởng chừng rất thô phác nhưng thật tinh tế, mang đậm tính nhân văn của tộc người Cơ Tu.
Nghệ nhân Cor Tíh, giới thiệu cho du khách ý nghĩa của các tác phẩm điêu khắc trên mái nhà Gươl của làng |
Ngày nay những ngôi nhà truyền thống cổ truyền vẫn in đậm trong tâm thức của bà con dân tộc Cơ Tu, và đây cũng chính là sản phẩm văn hóa chứa đầy ắp giá trị văn hóa truyền thống của họ, thấm đẫm tính cố kết cộng đồng, tính nhân văn. Tư duy về số lẻ của cư dân có loại hình văn hóa gốc nông nghiệp thấm đẫm trong nhà dài, nhà Gươl hay nhà sàn ở riêng của gia đình, tên gọi mỗi kết cấu của căn nhà, tên gọi của chính căn nhà. Mỗi người trong dòng họ cùng chung sức chung lòng gìn giữ ngôi nhà chung của dòng họ mình.
Thiết nghĩ, trong tương lai gần, rất cần Đảng và Nhà nước ta nhất là các cơ quan chuyên môn cần có những hoạch định đúng đắn, phù hợp với văn hóa bản địa của từng vùng và từng tộc người, và cũng rất cần có nhiều nguồn đầu tư hơn nữa về lĩnh vực văn hóa, nhất là văn hóa dân gian để bào tồn, các di sản, di tích truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam đã và đang có nguy cơ mai một và mất mát dần, trong đó có tộc người Cơ Tu.
Bài và ảnh:Pơloong Plênh