Khoảng 7 giờ ngày 8/3, nhiều chị em đã đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, để tham gia chương trình đồng diễn áo dài.
Đây là một hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và kỉ niệm 115 năm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3.
Chương trình “Đồng diễn dân vũ với Áo dài” là một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Lễ hội áo dài, với sự tham gia của hơn 3.000 người tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, bao gồm các đồng chí lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo các sở, ban ngành và đoàn thể, Hiệp hội của Thành phố, các văn nghệ sĩ, đại sứ thương hiệu Áo dài và hơn 47. 000 người tại các điểm đến của 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Nhiều chị em tranh thủ chụp ảnh kỉ niệm trước khi tham gia chương trình.
Nét mới của chương trình đồng diễn áo dài năm nay là chương trình diễu hành cổ phục được tổ chức lần đầu tiên, thu hút gần 1.000 người tham gia với quy mô lớn nhất từ trước đến nay để tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống, theo dòng chảy văn hóa qua hàng ngàn năm lịch sử hòa quyện cùng nét duyên dáng của áo dài hiện đại. Hành trình diễu hành cổ phục với những chiếc áo dài ngũ thân và các loại áo dài cổ phục truyền thống qua các thời kỳ theo các tuyến đường gồm: Nguyễn Huệ – Lê Lợi – Nhà ga Trung tâm Bến Thành (tuyến Metro số 1) – Nhà hát Thành phố - Công viên 23 Tháng 9 – Bùi Viện (Quận 1).
Những bộ áo dài cổ phục xuất hiện tại phố đi bộ Nguyễn Huệ đã thu hút đông đảo người dân đến chiêm ngưỡng.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chương trình đồng diễn không chỉ tôn vinh giá trị truyền thống của tà áo dài mà còn tô nét vẻ đẹp dịu dàng của phụ nữ Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Năm nay, lần đầu tiên chương trình có hoạt động diễu hành cổ phục, hiện diện trên tuyến đường Nguyễn Huệ. Từng bước chân diễu hành của người dân sẽ tái hiện bức tranh sống động về hành trình phát triển của trang phục Việt, từ cung đình đến dân gian, từ quá khứ đến hiện tại.
Những cổ phục mang đậm dấu ấn các triều đại của nước Việt Nam lần lượt xuất hiện trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
"Chương trình này không chỉ tôn vinh giá trị thẩm mỹ và tinh hoa nghệ thuật thủ công, đó còn là lời mời gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, lan tỏa niềm tự hào Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế", bà Phượng Trân cho biết thêm.
Những bạn trẻ diện áo dài cổ phục nhằm lan tỏa tình yêu với áo dài Việt Nam.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Lễ hội Áo dài là sự kiện văn hóa thường niên nhằm tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam, khẳng định giá trị truyền thống và lan tỏa tình yêu áo dài trong đời sống hiện đại. Sự kiện thu hút hàng nghìn người tham gia và ngày càng khẳng định vị thế là một trong những hoạt động văn hóa nổi bật của thành phố.
Chương trình đồng diễn áo dài diễn ra trên nền nhạc "Tôi yêu áo dài Việt Nam".
Các chị em cùng nhau đồng diễn trong không khí khá mát mẻ tại TP Hồ Chí Minh.