Sau 3 giờ đàm phán căng thẳng tại “Trại Borsig“ ở thủ đô Berlin của Đức đêm 21/1, Ukraine và Nga đã nhất trí rút các thiết bị quân sự hạng nặng khỏi khu vực đường ranh giới được phân định theo thỏa thuận Minsk hồi tháng 9/2014 vừa qua.
Ngoại trưởng Nga Lavrov (phải) và ngoại trưởng Mỹ Kerry. Ảnh: AFP-TTXVN |
Thông báo trên đã được Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đưa ra sau khi cuộc gặp giữa ngoại trưởng 4 nước gồm Đức, Pháp, Ukraine và Nga về tình hình miền Đông Ukraine kết thúc lúc tối muộn ngày 21/1.
Ngoại trưởng Đức cũng cho biết cuộc đàm phán giữa các bên đã được những “tiến bộ đáng kể“ song điều này chưa có nghĩa sẽ đem lại “bước đột phá“ cho vấn đề miền Đông Ukraine.
Kết thúc cuộc gặp trên, ngoại trưởng cả 4 nước đã đưa ra lời kêu gọi chung về chấm dứt các hành động thù địch tại Ukraine nhưng không đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá nào.
* Cùng ngày, Bộ chỉ huy dân quân Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết sau 3 ngày nối lại các hoạt động quân sự ở Donbass, quân đội Ukraine đã tổn thất 500 binh lính.
Ria-Novosti dẫn lời chỉ huy phó dân quân DPR Edward Basurin cho biết: "Do kết quả việc các đơn vị Ukraine không chấm dứt tấn công, chỉ trong 3 ngày giao tranh vừa qua, hơn 500 lính Ukraine đã thiệt mạng. Khoảng 1.500 lính bị thương".
Theo ông Basurin, lực lượng DPR cũng phá hủy 42 xe tăng Ukraine, 34 xe bọc thép chở quân và xe bọc thép, bắt làm tù binh 17 binh sĩ.
Về phần mình, Kiev ngày 20/1 cho biết lực lượng ly khai trong 1 tuần mất không ít hơn 300 người. Theo trợ lý Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Gerashenko, tổn thất nhân lực lớn nhất của DPR và LPR (Cộng hòa Nhân dân Lugansk) "là do các cuộc phản pháo mạnh mẽ tại sân bay (Donetsk), cũng như ở ngoại ô Gorlovka, Komsomolsk và Volnovakha".
Cùng ngày 21/1, phóng viên báo "Sự thật Thanh niên" Alexander Kotz và phóng viên kênh truyền hình Lifenews của Nga cho biết dân quân DPR đã bắt làm tù binh thêm 16 quân nhân Ukraine tại sân bay Donetsk. Tuy nhiên, Kiev vẫn chưa xác nhận chính thức số lượng binh sĩ bị bắt làm tù binh, chỉ thừa nhận một số đã bị bắt hôm 20/1.
Trong khi đó, về phía chính quyền Kiev, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết Chính phủ Ukraine sẵn sàng tiến hành trưng cầu ý dân về ngôn ngữ và hệ thống chính trị. Ông nói vào thời điểm hiện tại, người Ukraine chọn con đường hội nhập châu Âu và điều này được xác nhận qua kết quả cuộc bầu cử quốc hội mới đây, đồng thời số người ủng hộ Ukraine trở thành thanh viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vượt quá 50%.