Một trong những vấn đề đối ngoại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là phải đảm bảo hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU là bước đi đúng đắn, mang lại lợi ích cho Kiev. Đây là tuyên bố của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, bà Federica Mogherini, đưa ra ngày 20/1 trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên kể từ khi nhậm chức.Phát biểu trước truyền thông Mỹ, Đại diện cấp cao EU khẳng định những cam kết của liên minh này với Ukraine vẫn duy trì bền vững. Bà Mogherini nhấn mạnh "nhiệm vụ đầu tiên" mà EU cần làm là phải đảm bảo Ukraine là "câu chuyện thành công" trên phương diện kinh tế và xã hội.
Liên quan đến các lệnh trừng phạt Nga, bà Mogherini bác bỏ những thông tin trước đó nói rằng EU đang cân nhắc bỏ qua việc Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng 3/2014 để thúc đẩy quan hệ với Moskva.
Bà Federica Mogherini và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. |
Theo bà, châu Âu vẫn duy trì chính sách áp đặt trừng phạt Moskva dựa trên quan điểm không chấp nhận sự kiện trên. Tuy nhiên, quan chức này cũng lưu ý rằng Nga vẫn là láng giềng của EU và liên minh này cần tích cực tiến hành các cuộc đối thoại với Nga để có thể hợp tác nhiều hơn trong các vấn đề toàn cầu và khu vực như Syria hay cuộc chiến chống khủng bố.
Tuyên bố của quan chức ngoại giao hàng đầu EU được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng 28 quốc gia thành viên liên minh có cuộc thảo luận chiến lược về quan hệ với Nga tại Brussels (Bỉ), trong đó tuyên bố vẫn giữ nguyên phương hướng chính trị trong quan hệ với Moskva, bao gồm cả việc duy trì chính sách gây áp lực đối với Nga thông qua các biện pháp trừng phạt.
Các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh quan hệ của EU với Moskva chỉ có thể thay đổi nếu thỏa thuận Minsk ký tại Belarus được thực thi nghiêm túc. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố nêu rõ quyết định trên của EU cho thấy châu Âu chưa sẵn sàng thay đổi "đường lối không thân thiện" với Moskva cũng như "chưa đánh giá khách quan về các hành động của chính quyền Kiev".
EU đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moskva hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine. Nga luôn bác bỏ cáo buộc này. Tuy nhiên, trong nội bộ EU cũng có những ý kiến trái chiều. Trong khi Anh, Ba Lan, Hà Lan và các nước Baltic ủng hộ duy trì trừng phạt Nga, thì Áo, Hungary, Italy, CH Cyprus, Luxembourg, Slovakia, Pháp và CH Séc lại tán thành việc dỡ bỏ trừng phạt.
TTXVN/Tin tức