Uỷ ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), ngày 4/12 thông báo phạt 1,71 tỷ euro (2,3 tỷ USD) đối với sáu ngân hàng hàng đầu của Mỹ và châu Âu vì tội thao túng chuẩn lãi suất chủ chốt vốn để xác định giá trị tài sản thế chấp và các tài sản khác. Đây là mức phạt lớn nhất đối với các ngân hàng cho tới nay vì tội thao túng lãi suất.EC đã phạt 1,71 tỷ euro (2,3 tỷ USD) đối với 6 ngân hàng hàng đầu của Mỹ và châu Âu. Ảnh: Guardian
|
Trong số các ngân hàng bị phạt, Ngân hàng Đức Deutsche Bank chịu mức phạt lớn nhất với tổng cộng 725 triệu euro, tiếp đến là ngân hàng Societe Generale của Pháp (446 triệu euro), ngân hàng Royal Bank of Scotland của Anh (391 triệu euro) và nhà môi giới của Anh RP Martin (250.000 euro). Trong khi đó, các ngân hàng Mỹ là Citigroup và JP Morgan Chase chịu mức phạt tương ứng là 80 và 70 triệu euro.
Cả sáu ngân hàng này đã bị phát hiện thao túng 3 chuẩn lãi suất, gồm lãi suất liên ngân hàng London (Libor), lãi suất liên ngân hàng đồng euro (Euribor) và lãi suất liên ngân hàng Tokyo (Tibor) vốn được dùng để định giá hàng trăm tỷ euro tài sản từ tài sản thế chấp tới chứng khoán phái sinh. Nhiều nhân viên của sáu ngân hàng trên đã câu kết nhằm thao túng các chuẩn lãi suất với mục đích nâng cao giá trị đầu tư của họ. Theo Uỷ viên Cạnh tranh của EC Joaquin Almunia, quyết định nêu trên của EC là thông điệp rõ ràng cho thấy EC quyết tâm chống và trừng phạt nạn câu kết trong lĩnh vực ngân hàng.
Quyết định trên được giới chức EU đưa ra sau hai năm điều tra các ngân hàng bị cáo buộc thao túng lãi suất. Cho tới nay, các ngân hàng UBS, Royal Bank of Scotland, Barclays, Rabobank và ICAP đã bị phạt tổng cộng 3,7 tỷ euro vì tội thao túng Libor.
TTXVN/Tin Tức