Đặc sắc phiên chợ vùng cao Sin Suối Hồ

Chợ vùng cao bản Sin Suối Hồ, thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện biên giới Phong Thổ, nằm cách thành phố Lai Châu chừng 30 km. Hình thành từ khi bản Sin Suối Hồ là bản du lịch năm 2014, chợ không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã.

Theo những người cao niên trong bản Sin Suối Hồ, trước đây trên địa bàn xã Sin Suối Hồ không có chợ. Muốn đi chợ phiên, bà con phải ngược về chợ trung tâm xã Mường So (huyện Phong Thổ) hoặc chợ San Thàng (thành phố Lai Châu) cách khoảng 20 – 30km.

Khi bản Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng, người dân trong bản đã tự họp với nhau, bàn bạc việc xây dựng chợ với mục tiêu chợ vừa là nơi trao đổi, mua bán, sinh hoạt của bà con sở tại và vừa để thu hút thêm khách du lịch đến địa phương.

Để làm điều này, Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh đã tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất của gia đình để san gạt, quy hoạch thành chợ. Các hộ được huy động để trồng cây xanh, kê đá, đóng cọc dựng các gian hàng trong chợ.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết: "Vì chợ là nơi sinh hoạt chung nên bà con ai cũng vui vẻ thực hiện. Vậy là chợ dần hình thành từ năm 2014 và phát triển đến bây giờ, lượng khách du lịch đến với bản cũng nhiều hơn”.


Cũng như phần lớn các phiên chợ vùng cao, chợ Sin Suối Hồ được họp phiên vào thứ 7 hằng tuần. Sản phẩm được bày bán trong chợ chủ yếu là các nông sản do bà con tự sản xuất hoặc thu hái trong rừng; những trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ngoài ra, trong chợ còn bày bán đồ gia dụng, đồ dùng sinh hoạt thường ngày để phục vụ nhu cầu của người dân.

Nhà ở bản Hợp 1, xã Dào San, huyện Phong Thổ, cách chợ Sin Suối Hồ chừng 40km nhưng anh Thào A Quang vẫn tìm đến đây để bán vải vóc, quần áo dân tộc, phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con sở tại.

Theo anh Quang, chợ vẫn giữ được nét hoang sơ, nguyên bản đặc trưng của đồng bào vùng cao nhất là về nhu cầu ăn mặc, rất hợp với mặt hàng kinh doanh của anh. Mỗi phiên chợ anh thu lãi vài trăm nghìn đồng.

Chợ phiên hiện cũng là một điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Đặc biệt, những gian hàng váy áo của đồng bào Mông luôn cuốn hút du khách.

Chị Hoàng Mỹ Uyên, du khách đến từ Hà Nội vui vẻ nói: "Trang phục truyền thống của người dân bản xứ rất đẹp. Tôi đã đi nhiều chợ phiên vùng cao ở các địa phương khác nhưng tại chợ Sin Suối Hồ này vẫn có những đặc trưng rất riêng và vô cùng cuốn hút".

Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh cho biết: Các hộ tham gia buôn bán tại chợ chỉ cần nộp từ 5.000 – 10.000 đồng mỗi ngày cho Ban quản lý chợ. Số tiền thu được, bản sẽ dùng để tu sửa, mua trang thiết bị phục vụ hoạt động chợ.

“Chợ cũng có đội ngũ dọn dẹp vệ sinh, không làm ảnh hưởng đến mỹ quan du lịch cộng đồng. Chợ Sin Suối Hồ hoạt động không phục vụ lợi ích cá nhân mà phục vụ cộng đồng. Qua đây vừa góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số; vừa thúc đẩy hoạt động du lịch của địa phương", Trưởng bản Chỉnh chia sẻ thêm.

Ngoài những sản vật địa phương, đến chợ phiên Sin Suối Hồ ta dễ dàng bắt gặp những thiếu nữ xúng xính váy Mông; những đứa trẻ địu em trên lưng và chia nhau từng chiếc kẹo... Những hình ảnh đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao trên đã tạo nên nét riêng của phiên chợ vùng cao Tây Bắc.

Quang Duy (TTXVN)
Trao 250 suất quà Tết cho gia đình chính sách, nghèo khó vùng cao
Trao 250 suất quà Tết cho gia đình chính sách, nghèo khó vùng cao

Ngày 31/12, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam trao 250 suất quà trong Chương trình “Góp tình trao Tết” đến các hộ gia đình nghèo và gia đình chính sách của xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN