Chị có một tình yêu mãnh liệt với nghề giáo viên, mong muốn được truyền tải kiến thức tới những học sinh thân yêu. Học hết phổ thông chị nộp đơn thi vào sư phạm nhưng lại không được sự ủng hộ của mọi người.
Bởi một lẽ, trước chị đã có rất nhiều người ở quê học sư phạm tốt nghiệp ra trường không xin được việc. Người thì vào miền Nam làm thuê, làm mướn. Người gác bỏ tấm bằng sư phạm theo chồng. Chị gạt bỏ ngoài tai để theo đuổi ước mơ của mình.
Tốt nghiệp, chị quyết định làm đơn xin lên vùng cao, vùng xa để dạy. Nơi chị dạy là một điểm trường thuộc huyện nghèo Tuy Đức, Đắk Nông xa xôi. Chị kể, lúc đi lên nhận trường chị không thể tin được đây là ngôi trường mà chị sẽ dạy. Gọi là trường nhưng thực chất là những phòng học tuềnh toàng gồm những tấm gỗ đơn sơ ghép lại với nhau.
Chị đã từng nghe, từng thấy những cụm trường trên những vùng cao hẻo lánh, xa xôi, thấy được sự vất vả của các cô, các thầy. Nhưng những hình ảnh đó trước đây chị đọc được trên báo, xem được trên ti vi. Giờ vào cuộc sống thực tế chị càng hiểu và thông cảm hơn các thầy cô giáo đã tận tụy với người dân, với học sinh vùng sâu, vùng xa.
Mỗi lần nghe chị kể tôi lại thương chị vô cùng. Cuộc sống ở đây khổ trăm bề. Đường đi vừa trơn lại vừa dốc, không đi xe máy được. Chị bảo nhiều khi thấy nản nhưng nhìn những đứa em với đôi mắt thơ ngây, trong lòng chị lại bừng lên một niềm tin mạnh mẽ về sự nghiệp mà mình theo đuổi. Mặc dù có tiền phụ cấp cho giáo viên vùng cao nhưng những đồng tiền đó không đáng là bao chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.
Chị phải học tiếng H’Mông, tiếng Ba Na để khi học sinh nói tiếng địa phương, mình còn nghe, còn hiểu mà giải thích cho học sinh. Rồi cùng người dân trong bản làm nương làm rẫy. Tối tối mấy cô giáo trẻ lại vào trong bản động viên những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi học.
Lúc mới vào công tác chị nhớ gia đình lắm nhưng không tài nào liên lạc được vì sóng lúc nào cũng chập chờn, không kết nối. Đường sá xa xôi, có những năm, Tết, chị ở lại ăn Tết với người dân. Được cái dân bản họ quý các thầy, cô giáo trẻ lắm.
Họ chia sẻ những thứ họ làm ra được như sắn, khoai, những thứ săn bắn được trên rừng cho các thầy cô giáo trẻ. Mỗi dịp 20/11 chị hạnh phúc khi nhận được bó hoa dại học sinh bứt bên đường, trên nương, trên rẫy đến tặng. Chị bảo, chị chẳng bao giờ chạnh lòng vì thứ quà cáp đơn sơ như vậy, quan trọng vẫn là tấm lòng của học sinh yêu mến mình.
Bao mùa 20/11 trôi qua chị vẫn trung thành với mảnh đất xa xôi, hẻo lánh, nghèo nàn. Chị tâm sự: “Chị yêu mảnh đất nơi này, yêu con người, cuộc sống nơi đây, yêu nhưng học sinh đến trường mặc dù quần áo không được tươm tất cho lắm nhưng tấm lòng của các em luôn chân chất, giản dị”. Tôi luôn tự hào về chị - người chị nhỏ nhắn nhưng tràn đầy nghị lực yêu đời, yêu nghề.