Điểm tựa của đồng bào vùng cao Sơn La

Già làng, trưởng bản là những người có uy tín được bà con suy tôn, kính trọng, tin yêu, là chỗ dựa tinh thần của cộng đồng dân cư.

Những năm qua, vai trò và vị thế của già làng, trưởng bản, người có uy tín ở Sơn La được phát huy, xứng đáng là cầu nối chuyển tải những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếng nói của già làng, trưởng bản, người có uy tín đã giữ vai trò quan trọng trong việc vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Là một bản vùng cao của xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, nhưng nhiều năm gần đây, bản Pú Hao - nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, là điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Nhiều ngôi nhà khang trang, những con đường bê tông nội bản - con đường của “ ý Đảng lòng dân” được xây dựng là thành quả của sự đổi thay trong nhận thức của bà con. Đến nay, 100% đường giao thông nội bản và nhiều tuyến đường lên nương, xuống ruộng, cũng đã được bê tông hóa. 

Lực lượng biên phòng, công an phối hợp với người có uy tín đến tuyên truyền cho người dân.

Đây không chỉ là kết quả của đồng bào Mông bản Pú Hao trong thực hiện nông thôn mới, mà quan trọng hơn chính là nhận thức của đồng bào đã thay đổi tích cực; biết vươn lên thoát nghèo từ chính sức mình. Góp phần vào sự đổi thay đáng mừng đó, một phần công sức của già làng Giàng Chờ Sộng. Ông là người đã vận động bà con thay đổi nhận thức, từ chỗ chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nay đã biết cùng nhau xây dựng bản làng giàu đẹp. Già làng Giàng Chờ Sộng chia sẻ: "Bây giờ hộ nghèo chỉ còn 20%, còn lại các hộ chưa giàu nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc. Nhà nước hỗ trợ cây trồng, con giống, rồi thì phải tự đi làm mới có cuộc sống no đủ được”.

Già làng Giàng Chờ Sộng, ở bản Pú Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp.

Xác định vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín rất quan trọng trong đời sống của đồng bào vùng cao, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Sốp Cộp đã quan tâm đến việc phát huy tiếng nói của người có uy tín người có uy tín trong cộng đồng. Khi vai trò của người có uy tín được phát huy thì tinh thần đoàn kết cộng đồng vùng cao thêm phần được thắt chặt, bà con giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. 

Ông Mùi Văn Rổ, người có uy tín bản Bãi Con, xã Bắc Phong.

Ông Mùi Văn Rổ, người có uy tín ở bản Bãi Con, xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, bày tỏ: "Là trưởng họ, 5 năm được công nhận là người có uy tín, tôi luôn vận động anh em, họ hàng, làng bản tuân thủ đúng pháp luật của Nhà nước. Trong dòng họ không có người nào mắc tệ nạn xã hội cũng như vi phạm pháp luật. Tôi luôn vận động con cháu hăng say học tập, mọi người hăng say lao động sản xuất, để không ngừng nâng cao đời sống kinh tế của gia đình và bản làng”.

Bà Trịnh Thị Oanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: Hàng năm, tỉnh Sơn La đã đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng để cung cấp thông tin báo chí, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, khen thưởng, tham quan học tập kinh nghiệm... cho gần 3.000 người có uy tín. Chính sách mới này phần nào động viên, khích lệ tinh thần cho người có uy tín để họ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong cộng đồng dân cư. Có thể khẳng định, đội ngũ người có uy tín của tỉnh Sơn La đã có những đóng góp tích cực trong sự phát triển của tỉnh những năm qua. Họ là những người giản dị, nhiệt huyết và đầy trách nhiệm, là tấm gương sáng, là cầu nối giữa Đảng với dân, điểm tựa tinh thần trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bài và ảnh: Lê Hữu Quyết
Trưởng bản người Mông học làm giàu từ báo 2472
Trưởng bản người Mông học làm giàu từ báo 2472

Trong 16 năm làm trưởng bản, anh Chang A Kỷ, dân tộc Mông, qua những thông tin học hỏi được từ sách báo và kinh nghiệm sống đã giúp cho cuộc sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương trở nên no đủ hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN