Đỡ đầu trẻ vùng cao đến trường

Trong số các đoàn công tác của Trung ương và địa phương lên biên giới chúc mừng các chiến sỹ Biên phòng Tả Gia Khâu nhân ngày truyền thống của lực lượng, có những đồng đội của các chiến sĩ Biên phòng từ Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Sơn Hải BĐBP lên thăm đơn vị và nhận đỡ đầu 10 cháu học sinh nghèo trên địa bàn.

Dìn Chin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Khương, địa bàn của Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (BĐBP Lào Cai), cách trung tâm huyện 25 km về phía đông bắc. Nơi đây có dãy núi Phìn Chư sừng sững chia đôi xã thành hai khu biệt lập là “Phìn Chư Đông” và “Phìn Chư Tây. Khu vực Phìn Chư Tây khó khăn hơn nhiều, có thôn Lồ Sử Thàng và các thôn Na Cổ, Cốc Cáng, Mào Sao Chải, Sín Chải với hơn hai trăm hộ, hơn một nghìn dân sinh sống.

Đoàn công tác của Trung ương lên biên giới chúc mừng các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Tả Gia Khâu nhân ngày truyền thống.


Trong đó người Mông và người Nùng chiếm 90%. Do địa hình khó khăn nên Lồ Sử Thàng được huyện Mường Khương cho thành lập nhà trường riêng từ cấp mầm non đến trung học cơ sở. Đây thực sự là “vùng trũng” về nhiều mặt của huyện, cả khu vực chỉ có một con đường độc đạo từ xã vào và đang trong quá trình hoàn thiện, chưa có điện lưới quốc gia, 80% hộ nghèo và tất nhiên việc dạy và học của thầy trò trường Lồ Sử Thàng là vô cùng vất vả.

Mười cháu học sinh của Lồ Sử Thàng mỗi cháu một hoàn cảnh, gia đình mỗi cháu có một khó khăn. Thương nhất là cô bé Hoàng Xuân Thảo, 7 tuổi, đang học lớp 2. Em đã phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm của mẹ từ khi mới lọt lòng. 

Bố của Thảo bị mù bẩm sinh, mẹ Thảo thì bỏ nhà đi từ khi Thảo mới lọt lòng. Thảo lớn lên trong tình thương của họ hàng và bà con dân bản, may mà không chết vì khát sữa.

Cậu bé Lù Liền Danh năm nay 9 tuổi đang học lớp 4 lại có nỗi buồn riêng. Đối với mỗi đứa trẻ, được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ là hạnh phúc không gì có thể sánh được. 

Năm Danh lên 3 tuổi,  bố em - một người đàn ông chuyên đi làm thuê khắp nơi không thấy trở về, người mẹ của Danh gửi 2 con cho hàng xóm đi tìm chồng rồi cũng đi đâu không rõ. Danh được bác ruột đón về nuôi, mặc dù rất thương cháu, muốn bù đắp cho cháu nhưng bác cũng nghèo, lại đông con, có thêm cháu là thêm phần gánh nặng. 

Nhiều lần Danh muốn nghỉ học để phụ giúp bác nhưng được các thầy cô và các chú Biên phòng động viên, em lại cố gắng đến lớp. Việc học hành của cháu cũng vì thế không thể được như bạn bè cùng trang lứa.

Mười học sinh của Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai được Công ty Sơn Hải BĐBP đỡ đầu.

Từ khi nhận được chương trình “Nâng bước em đến trường” của Bộ Tư lệnh BĐBP phát động; Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Sơn Hải BĐBP đã triển khai ngay nghị quyết, kế hoạch để thực hiện. 

Qua giới thiệu của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai và đề xuất của Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, mười cháu học sinh của Lồ Sử Thàng đã được chọn.

Thiếu tá Nguyễn Thị Hiên, Phó Giám đốc công ty là người xung phong cùng Giám đốc Đỗ Đại Nguyên lên thăm và nhận đỡ đầu các cháu. Vượt qua hơn 600 cây số với gần một ngày hành trình, bước vào cổng trường trong tình trạng say xe, mệt và đói, nhưng chị Hiên và đoàn công tác như bỏ lại sau lưng hết mệt nhọc khi nhìn thấy các con. 

Những đứa trẻ bằng tuổi con các chị, chúng đang chờ các chị lên với mình, những ánh mắt trẻ thơ đang mong chờ như “mong mẹ về chợ”. Trong ánh mắt các em có niềm hi vọng của sự mong chờ tình cảm yêu thương mà chúng không có được đầy đủ từ bé. Chị đã khóc.

Còn Đại tá Đỗ Đại Nguyên, sau một vòng đi thăm cơ sở vật chất của nhà trường, chứng kiến những khó khăn mà thầy trò nhà trường đang phải khắc phục, anh đã quyết định tặng thêm cho nhà trường 50 triệu đồng để các thầy tu sửa cơ sở vật chất phục vụ  bếp ăn bán trú cho các cháu.

Các em nhỏ luôn được những thầy giáo mang quân hàm xanh chỉ bảo tận tình. Ảnh: Trường Giang – TTXVN


Tin vui cho Đại tá Đỗ Đại Nguyên, Thiếu tá Nguyễn Thị Hiên và Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Sơn Hải là trong năm học 2015 - 2016 và nửa đầu học kỳ I của năm học 2016 - 2017, cả 10 cháu học sinh được công ty đỡ đầu đều đạt kết quả học tập từ khá trở lên, trong đó có 3 cháu đạt loại giỏi. 

Thầy giáo Tăng Duy Chinh, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để góp sức cùng Bộ đội Biên phòng, nhà trường đã đưa cả mười cháu vào học bán trú, phần kinh phí công ty hỗ trợ được các thầy cô góp thêm và giao cho giáo viên chủ nhiệm phối hợp với gia đình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả để các cháu có điều kiện học tập tốt nhất. 

Lâu nay khi nói đến “Nghĩa tình biên giới hải đảo” ta hay nghĩ đến tình cảm của hậu phương dành cho các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới, biển đảo.

Nhưng đối với những người lính Biên phòng, để tri ân sự đùm bọc, che chở của đồng bào các dân tộc trên các tuyến biên giới là điều mà bất kể cán bộ chiến sỹ nào cũng luôn nhớ tới. 

Cho dù đó là những cán bộ chiến sỹ đang trực tiếp thực hiện “3 bám, 4 cùng” ở các đồn biên phòng, hay những cán bộ, chiến sỹ ở các cơ quan, đơn vị nhà trường tuyến sau, hay những người lính thợ như Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Sơn Hải.

Chương trình “Nâng bước em đến trường” chính là sợi dây kết nối yêu thương để tình quân dân luôn bền chặt. Và thành tích học tập của 10 cháu bé thực sự là 10 bông hoa đẹp tặng các thầy cô và các cô, chú Biên phòng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.
Bài và ảnh: Nguyễn Trọng Mạch
Trẻ vùng cao háo hức với ngày hội đọc sách
Trẻ vùng cao háo hức với ngày hội đọc sách

Gần 2.000 cuốn sách cùng vở viết, đồ dùng học tập, quần áo ấm... đã được dành tặng cho các em học sinh dân tộc tại 2 xã Đồng Nghê và Suối Nánh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình trong chương trình “Ngày hội đọc sách cho trẻ em miền núi”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN