Theo thông báo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Cyprus, tất cả các ngân hàng của nước này tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 28/3, kể cả hai ngân hàng lớn nhất là Ngân hàng Cyprus và Ngân hàng Nhân dân (Laiki).Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính EU ở Brussels, Bỉ ngày 25/3/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngân hàng Trung ương Cyprus đã đưa ra quyết định gây sốc trên vào đêm 25/3 sau khi giới lãnh đạo nước này thống nhất kiện toàn hệ thống tài chính trước khi chính thức mở cửa trở lại với sự trợ giúp của gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro mà Cyprus vừa đạt được với nhóm "bộ ba" chủ nợ (gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB, Liên minh châu Âu - EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF). Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades cho biết Ngân hàng Trung ương sẽ tạm thời áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn của các ngân hàng sau khi mở cửa trở lại.
Theo Ngân hàng Trung ương Cyprus, việc đảo ngược quyết định đưa ra trước đó - mở cửa tất cả các ngân hàng vào ngày 26/3, riêng Ngân hàng Cyprus và Ngân hàng Nhân dân mở cửa vào ngày 28/3 - là nhằm đảm bảo hoạt động suôn sẻ của toàn bộ hệ thống ngân hàng sau khi hai thể chế tài chính lớn nhất của Cyprus tiến hành tái cơ cấu và sáp nhập theo yêu cầu của nhóm chủ nợ.
"Bộ ba" chủ nợ yêu cầu Ngân hàng Cyprus, hiện nắm giữ 1/3 lượng tiền gửi ở quốc đảo này, tiếp quản từ Laiki các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro (theo luật đảm bảo tiền gửi của EU) để trở thành "ngân hàng tốt". Trong khi đó, các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại cả hai ngân hàng trên - không được đảm bảo theo luật của EU - sẽ bị phong toả và sử dụng để giải quyết nợ của Laiki và tái cơ cấu Ngân hàng Cyprus thông qua cơ chế chuyển đổi tiền gửi/cổ phần.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đánh giá thoả thuận giữa Cyprus và nhóm chủ nợ là kế hoạch "toàn diện và đáng tin cậy", giải quyết được vấn đề cơ bản trong hệ thống ngân hàng. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà rất hài lòng với thỏa thuận cứu trợ đã làm đảo ngược tình hình trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Cyprus đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu chính phủ xem xét tái cơ cấu khoản cho vay trị giá 2,5 tỷ euro cho quốc đảo này ngay sau khi các bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) thông qua kế hoạch trợ giúp hệ thống tài chính của Cyprus. Khoản cho vay 2,5 tỷ euro này đã được Nga thông qua năm 2011, và Moscow dự kiến thời điểm đáo hạn là năm 2016. Hiện tổng giá trị các tài sản của Nga ở Cyprus ước tính lên đến 20 tỷ euro.
Người đứng đầu quỹ cứu trợ EU cho biết để cứu hệ thống ngân hàng thoát khỏi nguy cơ sụp đổ, Cyprus phải nhận được đợt cứu trợ khẩn cấp đầu tiên vào tháng 5/2013. Khu vực ngân hàng của Cyprus hiện nắm giữ lượng tài sản gấp 8 lần quy mô nền kinh tế nước này, nhưng đã bị "tê liệt" do những tổn thất tại Hy Lạp, nơi giá trị trái phiếu của các chủ nợ tư nhân bị bốc hơi 75% trong năm 2012. Các ngân hàng có nguy cơ sụp đổ đang giữ một lượng tiền gửi trị giá 68 tỷ euro, trong đó 38 tỷ euro thuộc các tài khoản trên 100.000 euro.
TTXVN/Tin tức