Cử tri kiến nghị Thanh tra CP quyết liệt cả hai mặt trận 'tham', 'lãng'

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sáng 12/6 đã thu hút đông đảo cử tri cả nước quan tâm, theo dõi qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp. Phóng viên TTXVN ghi nhận một số ý kiến của cử tri liên quan đến phiên chất vấn.

* Cần xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc tham nhũng, lãng phí

Cử tri Nguyễn Văn Thuận, cựu chiến binh phường Phước Vĩnh, thành phố Huế nhận xét, phần chất vấn của các đại biểu rất xác đáng và tập trung vào những lĩnh vực mà cử tri quan tâm; phần trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng khá rõ ràng, thẳng thắn.

Theo cử tri Nguyễn Văn Thuận, về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế. Các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát giác thông qua sự tố cáo của người dân và cơ quan báo chí, nhiều nơi các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chỉ mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Tôi tâm đắc khi Tổng Thanh tra đã nhận trách nhiệm khi thời gian qua việc giải quyết các vụ tham những chưa nhiều và chưa đạt yêu cầu, đồng thời đã đề ra nhiều giải pháp cho thời gian tới như tiếp tục nâng cao năng lực, giáo dục và đào tạo cán bộ, đội ngũ thanh tra trong sạch vững mạnh, đẩy mạnh công tác thanh tra và kịp thời chuyển hồ sơ các cơ quan điều tra khi có vụ việc...

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 12/6. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Cử tri Nguyễn Văn Thuận cho rằng, muốn chống được tham nhũng trước hết phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ thanh tra. Đối với từng vụ việc cần tìm ra nguyên nhân mấu chốt của tham nhũng để có biện pháp phòng, chống triệt để; đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhất là những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm; đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó cần nhân rộng những mô hình hay cũng như biểu dương những tấm gương điển hình về phòng, chống tham nhũng. Tham nhũng là một kẻ địch vô hình, để xứng đáng là những người chèo lái trên con thuyền đấu tranh chống tham nhũng được nhân dân tin tưởng thì các mỗi một cán bộ thanh tra phải là những người trong sạch, công tâm.

Cử tri Phạm Văn Thụ, cán bộ về hưu tại phường An Cựu, thành phố Huế cho biết: Thực tế hiện nay tình trạng đơn thư kéo dài không giải quyết và giải quyết không đúng vẫn cứ là tồn đọng lớn, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, vấn đề thu hồi đất, giải tỏa, đền bù… Hệ thống pháp luật mặc dù đã được xây dựng và đổi mới, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên vẫn còn nhiều khe hở, nhiều cơ quan chức năng khi nhận được khiếu nại còn đùn đẩy trách nhiệm; mặt khác nhiều người dân khiếu kiện nhưng lại chưa am hiểu đến nơi đến chốn nên việc khiếu kiện không đúng dẫn đến tình trạng kéo dài...Tôi cũng nhận thấy những vấn đề này không chỉ riêng ngành thanh tra mà cần có sự phối hợp của các ngành hữu quan và cả người dân.

Về các giải pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa cấp bộ, ngành hay chính quyền các cấp để có sự giải quyết một cách chặt chẽ, thấu đáo; đồng thời tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ thanh tra am hiểu, nắm chắc luật pháp để giải quyết cũng như hướng dẫn người dân trong thủ tục, kiến thức về pháp luật...

Cử tri Phạm Văn Thụ kiến nghị, với cấp trên cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các cấp tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; đồng thời, ưu tiên xây dựng thể chế về giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân để củng cố lòng tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật.

* Tăng cường các cơ chế giám sát xử lý sau thanh tra

Luật gia Đặng Huy Dũng (39 tuổi, Công ty Bảo Việt Hà Nội) cho rằng, việc thanh tra, phát hiện ra sai phạm, đưa ra kết luận chính xác về những sai phạm này sao cho đúng người, đúng việc đã khó, nhưng việc thực thi những kết luận thanh tra này còn khó hơn nhiều lần. Bởi lẽ, kết luận thanh tra được thực hiện triệt để mới thể hiện rõ tính nghiêm mình của pháp luật, đồng thời có tác dụng cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung đối với những sai phạm tương tự trong tương lai.

Ông Dũng đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua, vẫn còn tồn tại tình trạng các kết luận thanh tra chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Cụ thể, trong giai đoạn 2008-2011, việc xử lý sau thanh tra tỷ lệ rất thấp, trong đó thu hồi về tiền chỉ đạt 30% và 20% với đất đai. Ngoài lý do một số trường hợp kết luận thanh tra thiếu tính khả thi, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh còn liệt kê có cả do chế tài chưa đủ mạnh, chưa có tổ chức hoàn chỉnh để xử lý kiến nghị trong kết luận thanh tra.

Để tăng hiệu quả xử lý sau thanh tra, luật gia Đặng Huy Dũng cho rằng, cần thiết phải tăng cường các cơ chế giám sát xử lý sau thanh tra và quy định cụ thể các chế tài xử phạt đối với từng trường hợp vi phạm, không chấp hành kết luận thanh tra. Có thể cân nhắc giao trách nhiệm giám sát, xử lý, thậm chí là cưỡng chế thực hiện kết luận thanh tra này cho một cơ quan chức năng độc lập so với cơ quan thanh tra nhà nước, để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Bên cạnh đó, đối với những cơ quan, đơn vị cố tình không thực hiện kết luận thanh tra, cũng có thể áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản của những đơn vị này, để việc thu hồi tài sản có hiệu quả hơn.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Công ty luật Hồng Bách và cộng sự) đồng quan điểm với nhận định của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng tình hình tham nhũng thời gian qua chưa có dấu hiệu giảm, nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả thấp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hầu hết các hành vi tham nhũng được đánh giá là khá nghiêm trọng, tinh vi, khó phát hiện, gây thiệt hại lớn cho ngân sách. Tham nhũng xuất hiện ở nhiều trạng thái, hình thức hoạt động tại các cơ quan đơn vị. Bên cạnh những hành vi tham nhũng với số lượng lớn, cũng có không ít hành vi “vặt” xảy ra ở những cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp xúc công dân.

Luật sư Bách đề xuất, một trong những giải pháp hữu hiệu đẩy lùi tệ tham nhũng là phải có những hình thức, giải pháp đào tạo, giáo dục cán bộ, đồng thời tăng cường hiệu quả việc kê khai tài sản trong cán bộ công chức. Xử lý nghiêm những trường hợp có tài sản kê khai không rõ, kê khai chậm, kê khai không trung thực hoặc vi phạm quy định về kê khai…

* Quyết liệt hơn trong chống lãng phí

Cử tri Nguyễn Chí Quyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 1, Thành phố Bến Tre nhân xét: nghe ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ trả lời những vấn đề được các đại biểu Quốc hội chất vấn, tôi nhận thấy được sự nỗ lực rất lớn của Tổng Thanh tra và ngành thanh tra Nhà nước. Trong điều kiện vô cùng khó khăn về nhiều mặt, ngành thanh tra đã thực hiện cơ bản chức năng được giao: kê khai tài sản, xử lý một số lớn các đơn khiếu nại, hạn chế tối đa khiếu kiện vượt cấp...

Theo cử tri Nguyễn Chí Quyền, trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI nêu rõ phải quyết liệt trong trên cả hai trận tuyến “tham” (tham nhũng) và “lãng” (lãng phí). Tuy nhiên, trong nghị trường Quốc hội và giải trình của Tổng Thanh tra Chính phủ hầu như chỉ đề cập đến tham nhũng, còn vấn đề lãng phí dù đang rất tệ hại nhưng lại chưa đề cập đến. Biết bao khu công nghiệp bị bỏ hoang thành rừng; biết bao công trình xây dựng dở dang hết vốn nằm trơ trọi mặc cho mưa nắng hàng chục năm; một số khu tái định cư xây rồi bỏ hoang phế, không có người đến ở; hay các chợ xây tốn kém cả tỉ đồng nhưng không ai đến buôn bán; các công trình cầu, đường mới đưa vào sử dụng không lâu đã hư hỏng;…Vậy ai chịu trách nhiệm và xử lý các vụ việc lãng phí này? Phải chăng Thanh tra Chính phủ chưa đồng thời tổ chức xử lý quyết liệt cả hai mặt trận “tham” và “lãng”?

Còn cử tri Trần Quốc Việt, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre cho rằng, phần trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh rõ ràng, đầy đủ, không tránh né. Tuy nhiên, theo ông Việt, dù ngành thanh tra đã có nhiều cố gắng trong ngăn chặn, phát hiện và xử lý nhiều vụ tham nhũng, nhưng tình hình tham nhũng chưa dừng lại mà tham nhũng càng ngày ở cấp cao hơn, tinh vi hơn và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước hơn.

Ông Việt cũng liên hệ với tình hình ở địa phương Bến Tre và đề nghị: vụ nào ở địa phương mà Trung ương giải quyết, kết luận rồi nhưng báo chí xới lại, Trung ương cũng cần có ý kiến không nên im lặng. Trái lại, Trung ương nên tham gia với báo chí để làm rõ, mà không thả nổi, dẫn đến dư luận xã hội mất lòng tin. Một số vụ việc tiêu cực có liên quan đến cán bộ do Trung ương quản lý, khi được báo chí nêu, Trung ương nên giải quyết sớm và minh bạch công khai, không giải quyết nội bộ, càng không nên im lặng, để xã hội an tâm.

Tường Vi, Kim Anh, Văn Trí, Thu Hiền (thực hiện)
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Sẽ bổ sung một số tội danh về tham nhũng
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Sẽ bổ sung một số tội danh về tham nhũng

Liên quan đến tội tham nhũng sẽ sửa đổi theo hướng bổ sung một số tội danh về tham nhũng, nội luật hóa các công ước quốc tế như bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp; đề xuất bổ sung truy tố pháp nhân cụ thể là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN