Các chuyên gia của Mỹ và châu Âu đã có nhiều ý tưởng hữu ích để ngăn chặn những vụ va chạm thiên thạch, dù có phần nào viễn tưởng, như lao tàu vũ trụ vào thiên thạch, dùng ánh sáng mặt trời để làm bốc hơi chúng, hay tiêu diệt thiên thạch bằng bom hạt nhân.
Thiên thạch nổ tung trên bầu trời vùng Chelyabinsk của Nga. |
Việc một thiên thạch với kích cỡ một sân bóng bầu dục suýt đâm vào Trái Đất cùng ngày với vụ nổ sao băng hôm 15/2 vừa qua ở Nga càng làm dấy lên mối lo ngại về thảm họa thiên thạch.“Chúng ta phải tạo ra được một hệ thống phát hiện các vật thể gây nguy hiểm tới Trái Đất và vô hiệu hóa chúng”, Phó Thủ Tướng Nga Dmitry Rogozin, người phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng nước này, phát biểu trên trang Twitter.
Tại một hội thảo ở Vienna (Thụy Sĩ) hôm 17/2 vừa qua, các nhà khoa học thế giới cũng cho rằng đã đến lúc con người cần chủ động hơn trong việc phát hiện và giảm sức phá hoại của các vật thể bay vào Trái Đất.
Tia laser và “máy kéo dùng trọng lực"
Tại Hội thảo nói trên, Hiệp hội NEO Shield, được tài trợ bởi Liên minh châu Âu với mục đích tìm ra những biện pháp tốt nhất để đối phó với các vật thể đâm vào Trái Đất, đã phác thảo ra một số ý tưởng. Trong số này có ý tưởng phóng một tàu vũ trụ lớn vào thiên thạch để đổi hướng đi của nó, hoặc chế tạo một “máy kéo trọng lực” bằng cách đỗ một tàu vũ trụ gần vật thể vũ trụ và dùng lực hấp dẫn giữa hai bên như một dây kéo để đưa vật thể đi. Ngoài ra, theo NEO Shield, gây ra một vụ nổ hạt nhân ở phía trên hoặc gần thiên thạch sẽ là giải pháp cuối cùng.
Một nhóm hành động phòng chống vật thể gần Trái Đất tương tự của Liên Hợp Quốc cũng đề xuất việc thành lập một hệ thống cảnh báo thiên thạch quốc tế, kèm theo các nhóm cố vấn để kiểm soát, phát hiện mối nguy hiểm và lên kế hoạch phòng bị. Ông Timothy Spahr, giám đốc trung tâm nghiên cứu thiên thạch MPC tại đài thiên văn Smithsonian, đang kêu gọi cho kế hoạch “kiểm tra nhanh và rộng” bằng một máy dò tia hồng ngoại đặt ngoài không gian để phát hiện vật thể ngoài hành tinh nhanh hơn nhiều lần hiện nay.
Các cơ quan nghiên cứu vũ trụ NASA và ESA của Mỹ và châu Âu thì cảnh báo rằng con người nên chuẩn bị cho những vụ va chạm thiên thạch không thể tránh khỏi, chẳng hạn như di tản dân cư. Ông Detlef Koschny, phụ trách nghiên cứu hoạt động của các vật thể gần Trái Đất thuộc chương trình “nhận biết tình huống ngoài vũ trụ” của ESA, nói rằng chúng ta có thể xác định vùng bị ảnh hưởng của va chạm thiên thạch chỉ trong vài giờ.
Ông chứng minh bằng vụ va chạm thiên thạch năm 2008 ở vùng sa mạc Sudan. Phạm vi ảnh hưởng, lúc đầu ước tính ở 2000km, đã được thu hẹp một cách chính xác chỉ trong vài giờ. “Tương tự như vậy, trong tương lai, chính quyền có thể thông báo để người dân trong vùng bị ảnh hưởng tránh xa khỏi cửa sổ, kính và ở trong nhà,” ông Koschny đã nói với hãng tin Reuters.
Trong khi đó, các chuyên gia của ESA ở Darmstadt, Đức cũng đang lên kế hoạch về một cuộc thăm dò kiểm soát bầu trời đêm bằng kính thiên văn tự động với khả năng phát hiện thiên thạch trước khi chúng bay vào bầu khí quyển.
Một trong những mảnh vỡ thiên thạch được tìm thấy ở vùng hồ Chebarkul, thuộc Chelyabinsk. |
Không hề viễn tưởng
Các nhà khoa học ở California (Mỹ) hiện đang nghiên cứu một hệ thống thu nạp và chuyển hóa năng lượng mặt trời thành tia laser để tiêu diệt, làm bốc hơi hoặc chuyển hướng thiên thạch. “Đây không phải là một ý tưởng từ phim Star Trek” - ông Gary B. Hughes, nhà nghiên cứu và giáo sư Đại học Ứng dụng bang California nói - “Hiện tại, mọi kết cấu của hệ thống này đều đã có, dù chưa phải ở tầm vóc chúng ta đang cần. Chúng ta chỉ cần mở rộng quy mô của hệ thống này”.
Tại trường đại học Hawaii, một nhóm các nhà thiên văn học cũng đang phát triển một hệ thống gồm các kính viễn vọng nhỏ, tên gọi ATLAS, có khả năng phát hiện thiên thạch nguy hiểm trước khi chúng lao vào Trái Đất. Nhóm này ước tính hệ thống sẽ cảnh báo về một thiên thạch đường kính 45m trước một tuần, và thiên thạch đường kính 137m trước 3 tuần.
Tuy nhiên, các chuyên gia ở Nga cho rằng xậy dựng một hệ thống cảnh báo như vậy sẽ quá tốn kém vì những hiện tượng thiên văn này rất hiếm. Vụ sao băng rơi gần nhất với tầm cỡ tương tự như ở Chelyabinsk đã xảy ra từ năm 1908. Một chuyên gia Nga đã ước tính chi phí cho một hệ thống như vậy lên đến 2 tỷ USD hoặc hơn.
“Hơn nữa, phát hiện các vụ va chạm vẫn chưa đủ nếu không có các biện pháp đối phó,” Igor Marinin, tổng biên tập một tạp chí thiên văn của cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, nêu ý kiến. Ông Marinin cho rằng con số 1200 người bị thương trong vụ nổ thiên thạch hôm 15/2 là không đáng kể so với số người chết hàng năm do tai nạn xe hơi hay ung thư.
Theo nghị sĩ Konstantin Tsybko, đại diện cho vùng Chelyabinsk của Nga, người dân nơi này đã thấy an tâm vì những vụ va chạm thiên thạch lớn sẽ không thể xảy ra trong vài trăm năm tới. “Đây là thành phố đầu tiên trong lịch sử chứng kiến một vụ thiên thạch rơi và sống sót,” ông Tsybko nói.
Ngọc Mai