Cơ hội lớn cho vùng đặc biệt khó khăn

Chương trình 135 về hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn III), đã góp phần không nhỏ trong việc xóa đói, giảm nghèo, làm đổi thay diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Giảm nhanh đói nghèo


Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan, Chương trình 135 đã trở thành “thương hiệu” với cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc và miền núi. Qua 2 giai đoạn đầu tư (1998 - 2010), Chương trình 135 đã chứng minh vị thế là một chương trình giảm nghèo lớn và quan trọng nhất, hỗ trợ hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới.

 

Mở đường giao thông liên xã ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.


Chương trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng miền núi, dân tộc đặc biệt khó khăn; đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện; tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh (bình quân 3,6%/năm); trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, nhất là chính quyền cấp xã, được nâng lên, dần đáp ứng công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn; tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào dân tộc có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa; tỷ lệ thôn, bản có điện, đường, lớp học, nhà văn hóa, y tế thôn, công trình thủy lợi tăng lên; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Năm 2014 và năm 2015, định mức vốn cho chương trình sẽ tăng 1,5 lần so với định mức vốn năm 2013; các năm tiếp theo được bố trí tăng phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Cơ chế phân bổ vốn đầu tư có điểm mới là các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế về vị trí địa lý, diện tích, dân số, số thôn bản, số hộ nghèo, kết cấu hạ tầng, điều kiện sản xuất, trình độ cán bộ cơ sở...

Thứ trưởng Sơn Phước Hoan


Thứ trưởng Sơn Phước Hoan khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 giai đoạn III là cơ hội lớn để giải quyết những nhu cầu bức thiết đang đặt ra ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là địa bàn đặc biệt khó khăn. Ở góc độ nhất định, có thể coi Chương trình 135 là chương trình "xương sống" của chính sách dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống dân cư. Tổ chức thực hiện chương trình là cơ hội giúp đồng bào nghèo vùng dân tộc và miền núi thoát nghèo nhanh và bền vững, thể hiện sự nhất quán và liên tục trong chính sách, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.


Đầu tư xuống tận người dân


Cũng theo Thứ trưởng Sơn Phước Hoan, dựa vào kết quả tổng kết và kết quả khảo sát, đánh giá thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, cũng như ý kiến đề nghị của các địa phương thụ hưởng chương trình, ý kiến cử tri tại các kỳ họp Quốc hội, Chương trình 135 giai đoạn III đã được thiết kế đầu tư xuống cấp xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tức là xuống đến tận người dân. Nội hàm của chương trình cũng có sự thay đổi so với hai giai đoạn trước, không chỉ bao gồm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tập trung vào giảm nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên quan điểm tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đủ lớn để địa bàn này đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc; giảm khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong cả nước.

 

Được hỗ trợ cây giống, nhiều đồng bào ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai thoát nghèo.


Chương trình 135 giai đoạn III được phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng theo cơ chế rút gọn, tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ 2 nội dung: Hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ tập trung bổ sung và nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, sử dụng đất đai hiệu quả; hỗ trợ giống, phân bón, vật tư phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế; xây dựng mô hình phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tham quan, học tập, nhân rộng mô hình; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo hỗ trợ phát triển sản xuất, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y...

 

Đồng bào ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh được hỗ trợ đất trồng rừng.


Chương trình cũng hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; hoàn thiện hệ thống các công trình bảo đảm cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa trên địa bàn xã gồm: Trạm chuyển tiếp phát thanh xã; nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở xã, thôn, bản; hoàn thiện các công trình để bảo đảm chuẩn hóa trạm y tế xã; hoàn thiện hệ thống các công trình để bảo đảm chuẩn hóa giáo dục trên địa bàn xã; xây dựng lớp tiểu học, mẫu giáo, nhà trẻ, nhà ở giáo viên, trang bị bàn ghế, điện, nước sinh hoạt, công trình phụ trên địa bàn thôn, bản...


Là cơ quan được Chính phủ giao chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình 135 giai đoạn III, Ủy ban Dân tộc đã thành lập Văn phòng Điều phối để quản lý, chỉ đạo thực hiện; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện; xây dựng kế hoạch vốn để thực hiện Chương trình 135; nghiên cứu, xây dựng các mô hình, cách làm mới để góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình. Đến nay việc rà soát, xác định xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã hoàn tất.


Bài và ảnh:Minh Phúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN