Cẩn trọng khi vào “mùa” thủy đậu

Thủy đậu vốn là bệnh lành tính, tuy nhiên cũng có tỉ lệ nhất định bị các biến chứng viêm da do bội nhiễm, thậm chí bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não. Các bác sĩ cảnh báo, bệnh nhân bị thủy đậu cần được chăm sóc , kịp thời phát hiện các biến chứng nguy hiểm này.

 

Biến chứng nguy hiểm


PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, thông thường hay gặp bệnh thủy đậu vào giai đoạn cuối đông, đầu xuân. Tuy nhiên thời điểm này, khi mới bắt đầu vào mùa đông, Khoa đã tiếp nhận rải rác những bệnh nhân mắc thủy đậu, trong đó có những trẻ bị biến chứng, phải điều trị kéo dài.


 

Tiêm phòng bệnh thủy đậu cho trẻ. Ảnh: Hà Thái - TTXVN

 

“Thủy đậu do virút Varicella Zoster gây nên, tuy lành tính nhưng nếu bệnh nhân không được chăm sóc đúng cách, có thể bị nhiều biến chứng. Trong đó phải kể đến bốn biến chứng rất hay gặp và phổ biến là viêm da do bội nhiễm, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não sau thủy đậu”, TS Huy nói.


Khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới TƯ từng điều trị cho nhiều bệnh nhân bị biến chứng viêm màng não sau thủy đậu. Khi bệnh nhân nhi V.V.T (15 tháng tuổi ở Ba Vì, Hà Nội) xuất hiện những nốt phỏng nước, mẹ của cháu đã tự mua thuốc Xanh Methylene về bôi cho con. Nhưng đến ngày thứ 4, cháu bị sốt cao, co giật kèm nôn trớ. Khi gia đình đưa cháu tới viện thì đã bị biến chứng viêm màng não, phải nhập viện điều trị gấp.


Khi BS “mắng” về việc để con tới mức sốt co giật mới đưa tới viện, chị Thùy chỉ biết mếu máo, kể: “Vì con của em gái mình mới 2 tuổi, vừa bị thủy đậu xong, chỉ tự bôi thuốc vài hôm là khỏi, nên dù thấy con có vài nốt phỏng trên tay, mình cũng chỉ lấy thuốc đó bôi và vẫn cho con đi học bình thường. Đến ngày thứ tư, sau buổi đi học về con rất mệt mỏi, không muốn ăn uống, tối đến thì sốt cao đùng đùng, co giật, nôn mửa...”.


Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), bệnh thủy đậu vốn lành tính, thường sau 7 - 10 ngày là khỏi. Tuy nhiên, bệnh lại có tốc độ lây lan nhanh do lây qua hô hấp và tiếp xúc. Khi bị thủy đậu, biểu hiện đầu tiên của trẻ là mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc, khó chịu. Sau 1 - 2 ngày thì sốt và đến ngày thứ 3 xuất hiện các nốt phát ban dạng phỏng nước. Trên một khu vực da thường có nhiều ban, có ban mới mọc, có ban cũ. Khi ban vỡ để lại vết trợt, xước trên da, nếu không bị nhiễm trùng thì sẽ khỏi và không để lại sẹo.


Tuy vậy, bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, trong đó biến chứng viêm da bội nhiễm hay gặp nhất do quan niệm kiêng gió, kiêng nước của các bà mẹ. Khi các nốt phỏng vỡ trợt nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập gây nhiễm trùng, khi lành sẽ để lại sẹo lõm. Nặng hơn, các mụn nước còn là nơi mà vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.

 

Chăm sóc và phát hiện sớm biến chứng


TS Huy cho biết, khi bị thủy đậu, quan trọng nhất là việc chăm sóc tại nhà và phụ huynh phát hiện sớm để đề phòng biến chứng cho con em mình.


Việc đầu tiên là chăm sóc da khi bé bị thủy đậu. Bởi khi bị thủy đậu, nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng da. Vì thế, tuyệt đối không kiêng tắm cho trẻ mà cần tắm sạch cho trẻ bằng nước ấm. Tuy nhiên, không nên tắm lâu như lúc trẻ khỏe mạnh để phòng các biến chứng khác. Cần lưu ý, khi lau, tắm cho trẻ cần phải rất nhẹ nhàng, tuyệt đối không để nốt thủy đậu bị trợt, chảy nước. Khi có nốt phỏng trợt ra thì bôi trực tiếp thuốc Xanh Methylene lên vết trợt để sát khuẩn, còn những nốt phỏng nước chưa vỡ thì không cần bôi thuốc. Khi bị vỡ, trợt nhiều nốt đậu, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị. Vì tình trạng vỡ mụn nhiều có thể làm cho trẻ bị mất nước, nhiễm trùng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì trên thực tế, đã có nhiều trẻ bị trầy xước da nhiều dẫn đến bị mất nước, phải có chế độ điều trị đặc biệt, cần vệ sinh hàng ngày, truyền, tiêm thuốc chống nhiễm khuẩn.


Ngoài ra, cũng cần chú ý vệ sinh răng miệng vì ban thủy đậu có thể mọc ngay trong miệng, gây biến chứng bội nhiễm khiến trẻ đau đớn, khó ăn uống. Ngoài đánh răng, cần thường xuyên xúc miệng bằng nước sát trùng, trong trường hợp trẻ không ăn được phải đi khám để được tư vấn.


“Để phòng bệnh, tốt nhất nên cho trẻ tiêm vắcxin phòng thủy đậu, kể cả trẻ lớn và người lớn mà chưa miễn dịch với thủy đậu cũng nên chủ động đi tiêm phòng bệnh”, TS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư khuyến cáo


Đăng Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN