Trước đám cưới, Mary Catchpole, đã ngoài 40 tuổi, muốn có được vẻ ngoài hoàn hảo trong các bức hình cưới để đời. Mary nghĩ rằng một thủ thuật thẩm mỹ đơn giản, không cần phẫu thuật làm khuôn mặt đầy đặn hơn sẽ giúp cô trở nên tươi tắn và trẻ trung hơn trong ngày cưới. Giống như hàng nghìn phụ nữ Anh khác, Mary tin rằng tiêm chất làm đầy là phương pháp cải thiện vẻ ngoài an toàn với giá thành phải chăng. Nhưng những phản ứng kinh khủng cô gặp phải sau khi tiêm chẳng những đã phá hỏng niềm vui của ngày cưới, mà còn khiến Mary phải hứng chịu những tổn thương về thần kinh nghiêm trọng, mắt mờ, mất ngủ, trầm cảm…
Tiêm chất làm đầy đã trở thành phương pháp làm đẹp phổ biến và được ưa chuộng. |
Mặc dù ban đầu, chất làm đầy được phát triển để điều trị dị tật, các bác sĩ thẩm mỹ đã nhanh chóng nhận ra chúng cũng có thể được sử dụng để làm đẹp cho mọi người. Hiện nay, phương pháp tiêm chất làm đầy thẩm mỹ cũng phổ biến như các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí có phần nổi trội hơn. Cùng với botox (một chất chống nếp nhăn) và laser triệt lông, các phương pháp này đã tạo ra một thị trường “không dao kéo” trị giá hàng trăm triệu bảng Anh. Không giống như botox - chất làm giảm nếp nhăn bằng cách làm tê liệt các cơ bắp, chất làm đầy thêm khối lượng hyaluronic acid, được coi là “chất dưỡng ẩm tự nhiên”, cho da bị mỏng đi do lão hóa, khiến làn da đầy đặn, tạo hiệu ứng trẻ trung hơn. Nhưng trong khi botox được luật pháp quản lý thì các chất làm đầy gần như được cho là vô hại. Tại Mỹ, chỉ có 6 loại chất làm đầy được cho phép sử dụng và chỉ được cho phép cùng với đơn thuốc. Tại Anh, có hơn 100 loại như vậy, trong đó tất cả đều có thể được tiêm mà không cần đơn, cho dù người tiêm có được đào tạo chuyên môn hay không.
Trở lại với trường hợp của Mary, sau khi thực hiện tiêm chất làm đầy, cô không quá lo lắng cho đến khi tỉnh dậy đêm đó vì đau đớn. “Mặt tôi nóng rát như bị tạt axit. Trong vòng 48 tiếng sau, tôi có cảm giác như bị cúm, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, mẩn đỏ trên má và cổ”, Mary kể lại. Những triệu chứng tai hại không hề dừng lại ở đó. Mary đã liên tiếp phải tới phòng khám, bệnh viện, và thực hiện các xét nghiệm như cơm bữa. Tới nay, hoá đơn điều trị các biến chứng đã khiến Mary mất tới 10.000 bảng Anh. Tuy nhiên, cơ sở thực hiện tiêm cho Mary - Court House Clinic, từ chối chịu trách nhiệm. Mary đang cố gắng theo đuổi một vụ kiện nhưng theo các chuyên gia, những trường hợp như Mary gặp phải có thể rất khó để phán xét vì thường không có bằng chứng y tế rõ ràng. Bởi theo khoa học, rất có thể có những người gặp phải phản ứng dị ứng hiếm gặp và không ngờ tới do chất làm đầy chứ không phải do lỗi y tế.
“Tất cả các chất độn da có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và có khả năng kéo dài”, Tiến sĩ Erin Gilbert, giáo sư về da liễu tại Đại học bang New York, cho biết.
Các biến chứng nghiêm trọng hơn do tiêm chất làm đầy cũng đã được ghi nhận tại Anh. Tháng 11/2011, các bác sĩ Anh cảnh báo có một bệnh nhân nữ đã bị mù mắt trái vĩnh viễn sau khi tiêm chất làm đầy vì nó chặn một động mạch nuôi dưỡng mắt. Những trường hợp tương tự cũng được báo cáo, khi chất làm đầy gây áp lực lên các mạch máu nuôi võng mạc, làm thiếu oxy, gây ra vấn đề về thị giác và mù lòa. Các bác sĩ thuộc Bệnh viện trường Đại học Coventry và Warwickshire NHS Trust còn mô tả một trường hợp xảy ra đầu năm 2012, một phụ nữ từng tiêm chất làm đầy vào khu vực giữa hai hàng lông mày đã bị biến chứng khi chất độn đó “di cư” lên tận… trán.
Xin trích lời Tiến sĩ Alex Clarke, Khoa phẫu thuật chỉnh hình và thẩm mỹ Bệnh viện Royal Free, Vương quốc Anh thay cho lời kết: “Bất kỳ sự can thiệp nào nhằm thay đổi diện mạo của bản thân, bạn cần suy xét kỹ càng. Đó không nên là việc bạn tranh thủ làm vào giờ ăn trưa, hay chỉ vì bị lôi kéo bởi những chiêu giảm giá”.