Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số cư ngụ đan xen với các dân tộc anh em ở 67 xã, phường thuộc 9 huyện, thành phố của tỉnh; trong đó có 52 xã xây dựng nông thôn mới.
Ông Triệu Quang Lợi - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết: Qua gần 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Đặc biệt ở 52 xã xây dựng nông thôn mới có tổng tiêu chí đạt được là 746 tiêu chí, bình quân 14,3 tiêu chí/xã; trong đó, có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 23 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và 5 xã đạt từ 6-9 tiêu chí.
Đến nay, diện mạo vùng dân tộc thiểu số có sự phát triển nhanh và ngày càng hoàn thiện. Trình độ dân trí, đời sống, vật chất và tinh thần của người dân nơi đây không ngừng được cải thiện nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy; quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được quan tâm mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo số liệu điều tra, rà soát tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh vào thời điểm năm 2010 cho thấy, tỷ lệ này còn khá cao với gần 36%. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019 thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 16,37%.
Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện, nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh và việc chăm sóc sức khỏe người dân cũng được cải thiện. Cơ sở vật chất y tế, giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Thời quan qua, phong trào thi đua ''Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới'' được đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia. Nhiều hộ dân đã phấn đấu vươn lên trong sản xuất, kinh doanh và giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; hiến đất xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng các tuyến lộ giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, chợ…
Ban Dân tộc tỉnh phối hợp các cấp, các ngành có liên quan thực hiện hiện tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử, tỉnh đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng 452 công trình hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc; có 1.387 hộ được hỗ trợ đất ở, 359 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 168 hộ được hỗ trợ đất ở kết hợp đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề gần 3.000 hộ, 1.122 hộ được hỗ trợ về nước sinh hoạt, 200 hộ được hỗ trợ tái định cư…
Các cấp, các ngành trong tỉnh còn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nguồn vốn sản xuất, cây giống, con giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và tạo điều kiện cho nhiều hộ dân tộc đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm giàu ở một số tỉnh thuộc Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc…
Tuy vậy, công tác xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định cần được tiếp tục quan tâm chỉ đạo và tăng cường nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số khá cao trên 15%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chỉ mới đạt khoảng 32 - 33 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Triệu Quang Lợi- Trưởng ban Dân tộc tỉnh, để tạo sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã chỉ mới đạt từ 6-14 tiêu chí thì cần tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện . Các cấp, các ngành quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tổ chức tốt mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, các địa phương chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và nguy cơ tác động từ thiên tai, dịch bệnh.
Ban Dân tộc tỉnh quan tâm chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia đóng góp xây dựng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; trong đó vận động người dân áp dụng các mô hình sản xuất nuôi trồng có hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình góp phần nâng cao nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, các cấp, ngành có giải pháp thiết thực trong việc hỗ trợ, giúp đỡ từng hộ nghèo; chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ để tạo sinh kế ổn định cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.