Những mô hình tiêu biểu sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Ngày 18/10, các Đoàn đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, với hàng trăm đại biểu đại diện các Bộ, ngành và các địa phương trong cả nước đã đến tham quan một số mô hình xây dựng nông thôn mới tiêu biểu tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Thái Bình.

Chú thích ảnh
Đại biểu thăm Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco Hà Nam (xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân). Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

* Tại Hà Nam, Đoàn đại biểu do bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm Trưởng đoàn, đã đến tham quan Trường Mầm non tư thục Hiệp Hòa, làng nghề dệt Đại Hoàng, Khu tưởng niệm Nhà văn, Liệt sĩ Nam Cao, Nhà Bá Kiến, Công ty Dệt may Châu Giang (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) và Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco Hà Nam (xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân).

Bà Trần Thị Hà đánh giá cao những kết quả tỉnh Hà Nam đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, cùng với đó tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2019, tỉnh Hà Nam đã huy động được hơn 14.630 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 49 xã và sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. 4/6 huyện, thành phố đạt và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hà Nam phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đến năm 2025 có ít nhất một huyện và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

* Tại Nam Định, Đoàn đại biểu do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân làm Trưởng đoàn đã đến tham quan quy trình xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Xuân Trường và mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh” ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác của bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố thăm mô hình nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh” ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Ông Trần Kiều, Giám đốc Công ty Tân Thiên Phú (huyện Xuân Trường) - chủ nhân của sáng kiến biến bãi rác thành công viên cho biết, khu xử lý rác thải thân thiện với môi trường tại thị trấn Xuân Trường có diện tích 2 ha. Trước đây, nơi này là bãi rác sinh hoạt của thị trấn Xuân Trường và một số xã lân cận, sau 20 năm sử dụng đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Qua nhiều năm nghiên cứu, học hỏi công nghệ xử lý rác thải từ các nước tiên tiến trên thế giới, năm 2012, ông đã chế tạo thành công lò đốt rác thải dựa vào phương pháp đốt trên cơ sở tự nhiệt phân và tự đốt sinh năng lượng, với khả năng xử lý rác thải trong vòng 24 giờ, đảm bảo các quy chuẩn về môi trường (công nghệ lò đốt rác Losiho).

Công nghệ lò đốt rác Losiho không phụ thuộc vào bất kỳ nguồn năng lượng nào mà hoàn toàn đốt bằng không khí tự nhiên. Chi phí đầu tư không lớn, diện tích của khu xử lý tối thiểu khoảng 200 - 360 m2, có thể phục vụ cho cộng đồng dân cư khoảng 10.000 người. Khí thải thoát ra đảm bảo các tiêu chí về môi trường. Hiện lò đốt rác đang được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh sử dụng để xử lý rác thải sinh hoạt...

Tại huyện Hải Hậu, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tham mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu dựa vào cộng đồng, do người dân địa phương làm chủ, từ việc góp công, góp của để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa đến phân công nhau bảo quản tuyến đường làng, ngõ xóm, trồng hoa tạo cảnh quan môi trường. Gặp gỡ, trao đổi với chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới, đại diện các địa phương đánh giá cao cách làm nông thôn mới sáng tạo, linh hoạt của huyện Hải Hậu nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung. Đặc biệt là những bài học trong khơi dậy sức dân, phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định.

Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Mai Văn Quyết cho biết, Hải Hậu là huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới với 35/35 xã, thị trấn đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Đây cũng là một trong những huyện đầu tiên của cả nước hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện Hải Hậu đang triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững.

Bí thư Huyện ủy Hải Hậu chia sẻ, dựa trên Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của Trung ương, Hải Hậu đã lựa chọn cách làm, bước đi phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Những việc nào cần thiết, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân thì tập trung làm trước, các nội dung, tiêu chí khó, cần nhiều nguồn lực làm sau. Huyện tiến hành làm từ đồng về làng, làm từ nhà ra xóm, làm từ xóm lên xã…

Nhờ sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, nhất là sự đồng lòng, chung tay, góp sức của nhân dân nên phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương đã đạt được kết quả nổi bật. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất canh tác tăng từ 68 triệu đồng năm 2010 lên 120 đồng năm 2019. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ hơn 10 triệu đồng/người năm 2010 lên trên 45 triệu đồng/người năm 2019…

Tính đến tháng 9/2019, Hải Hậu có 15 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; 9 mô hình xóm hoàn thành các tiêu chí kiểu mẫu về kết cấu hạ tầng, cảnh quan, môi trường, văn hóa và sản xuất; 3 xã đã hoàn thành các tiêu chí kiểu mẫu về kết cấu hạ tầng, cảnh quan môi trường và văn hóa. Huyện phấn đấu đến năm 2024 có trên 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, tháng 7/2019, Nam Định đã về đích nông thôn mới, sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX đề ra là đến năm 2020 trở thành tỉnh nông thôn mới.

* Tại Thái Bình, Đoàn đại biểu do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn đã tham quan một số mô hình xây dựng nông thôn mới tiêu biểu tại huyện Quỳnh Phụ. 

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu tham quan cánh đồng sản xuất rau màu, mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, có vị trí cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thái Bình. Huyện có 38 xã, thị trấn, với trên 26 vạn người; có nền văn hóa đậm nét vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng... Đến nay, 100% số xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, huyện Quỳnh Phụ vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, về đích sớm hơn một năm so với mục tiêu đề ra, với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo.
 
Đoàn đã đến thăm Trường Mầm non An Bài, thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ), một trong hai đơn vị đạt chuẩn quốc gia đầu tiên bậc mầm non của tỉnh Thái Bình từ năm 2003. Trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2005 và nhiều năm liền dẫn đầu bậc mầm non toàn tỉnh. Trường đã được đầu tư hơn 43 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại trên tổng diện tích hơn 16.000 m2. Theo định hướng đến năm 2030, trường có khả năng tiếp nhận, nuôi dạy, chăm sóc từ 800 đến 1.000 học sinh.

Đoàn đã về thăm cánh đồng trồng rau sạch, mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ) với thế mạnh là sản xuất các loại rau màu, cây gia vị phục vụ tiêu dùng. Cánh đồng có diện tích 120 ha. Người dân nơi đây có kinh nghiệm thâm canh rau màu, xen canh gối vụ với hiệu suất quay vòng sản xuất ít nhất 6 vụ/năm, cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha. Mỗi năm, nông dân luân canh trồng ba lứa hành hoa, cần tây, tỏi tây và ba lứa su hào, cải bắp… Đặc biệt, nông dân Quỳnh Hải đã sáng tạo ra “nhà của rau", sử dụng vòm che chắn với lưới đen che bên dưới, phủ ni-lông bên trên, khắc phục được thời tiết khắc nghiệt để trồng được những cây gia vị trái vụ mang lại thu nhập cao, cải thiện đời sống của bà con.

Tại các điểm thăm quan, các đại biểu đánh giá cao những mô hình xây dựng nông thôn mới của huyện Quỳnh Phụ. Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng huyện đã tập trung khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới để huy động sức dân, coi người dân là chủ thể, là người hưởng thụ những thành quả xây dựng nông thôn mới. Cách làm của huyện Quỳnh Phụ đã được nhiều đại biểu tiếp thu, ghi nhận, coi là hình mẫu để học tập, áp dụng vào thực tiễn cụ thể của từng địa phương...

Đoàn đã đến dâng hương, tham quan, chiêm bái quần thể Khu Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đình, Đền, Bến Tượng A Sào ở xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ). Đây là khu di tích trọng điểm của tỉnh Thái Bình, gắn liền với những chiến công hiển hách của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
10 năm nông thôn mới: Sẵn sàng cho giai đoạn mới - Bài cuối: Tận dụng tốt yếu tố thời đại
10 năm nông thôn mới: Sẵn sàng cho giai đoạn mới - Bài cuối: Tận dụng tốt yếu tố thời đại

Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có những đổi thay mang tính toàn diện. Nông thôn hiện đại, đời sống của người dân được nâng cao, nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Bước sang một giai đoạn mới, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng phải thay đổi để phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN