Buồn chuyện thách cưới

Từ xa xưa, chuyện nhà gái thách cưới nhà trai luôn được xem là một hủ tục, bởi lẽ việc phải chuẩn bị biết bao là tiền bạc, lễ vật để đáp ứng cho nhu cầu thách lấy của nhà gái là rất “nặng gánh”.


Hủ tục thách cưới đã ăn sâu bám rễ vào nếp nghĩ, đời sống của người dân ở nhiều vùng trên đất nước ta từ thời xưa, và cho tới thời hiện đại ngày nay nó vẫn còn bị ảnh hưởng khá nặng nề. Lý giải cho chuyện này, nhiều người cho rằng, việc sinh ra con gái là thiệt thòi khi nuôi nấng, chăm bẵm cả gần hai chục năm trời, để rồi lớn lên người con gái đó “bay” theo chồng về nhà người ta. Chính vì vậy mà bố mẹ cô gái có cái quyền thách cưới để lấy lễ vật, tiền bạc lo cỗ bàn thết đãi họ hàng, làng mạc. Lý giải như vậy kể ra cũng có lý, tuy nhiên như đã nói, quả là chuyện thách cưới luôn là gánh nặng, là nỗi khổ, sự lo toan của người con trai đến tuổi trưởng thành nói riêng và họ nhà trai nói chung.

Ngày nay vẫn có không ít gia đình nhà gái thách cưới cao giá tiền, khiến họ nhà trai cảm thấy... chóng mặt! Tôi có người cậu họ có con trai mới lấy vợ, và nhà thông gia với cậu tôi đòi hỏi số tiền thách cưới cũng là khá cao, lên tới 50 triệu đồng! Nhà cậu tôi cả 4 nhân khẩu chỉ trông vào có 5 sào ruộng khoán, quanh năm cấy lúa trồng khoai thì khoản tiền này quả là vất vả. Để lo đủ số tiền thách cưới ấy cho nhà gái, cộng với một khoản kha khá lo tiệc tùng cỗ bàn bên nhà mình, cậu tôi đã phải đi vay lãi ngân hàng, và cả lãi ngày bên ngoài mới đủ! Khi công việc xong rồi, cậu tôi buồn vì phải lo kéo cày trả nợ, và chẳng biết đến khi nào mới trả hết khoản tiền vay nợ lớn như thế!

Có thể kể ra đây khá nhiều hậu quả buồn phát sinh từ hủ tục thách cưới nữa, như khi có khá nhiều đôi trẻ chung sống với nhau không thật sự hạnh phúc, phát sinh nhiều mâu thuẫn..., cũng chỉ vì thách cưới quá cao. Có không ít anh chồng, bà mẹ chồng, vì vẫn còn ấm ức chuyện nhà gái ăn lấy nhiều tiền lúc cưới nên cô con dâu luôn là đối tượng bị “tổng xỉ vả” cho hả giận, cho bõ tức. Thật chua chát cho cô gái, bởi cô có tội tình gì đâu trong chuyện thách cưới đó! Hay như, có rất nhiều cô gái khi về nhà chồng làm dâu còn bị chia nợ cưới, bởi lẽ chính số nợ cưới đó một phần là do bố mẹ cô gái thách cưới cao, nên cô phải có trách nhiệm trả nợ!

Một phong tục cưới theo nghi thức truyền thống là nhà trai cần có một chút lễ lạt mang sang nhà gái để dạm hỏi, để thưa chuyện xin cưới và đặt lên ban thờ thắp hương tiên tổ là cần thiết, bởi đây được xem là những nghi thức đẹp. Thế nhưng, những lễ vật ấy chỉ giản đơn là trầu cau, chút bánh mứt, ít hoa quả, trà, rượu..., chứ đâu nhất thiết phải có kèm theo tiền, nhất là những khoản tiền rất lớn, bởi nếu “yêu cầu” nhà trai phải đáp ứng khoản này, khoản nọ thì chẳng khác nào nhà gái gả bán con. Thiết nghĩ, các gia đình nên từ bỏ hủ tục thách cưới khi xây dựng hạnh phúc cho con em mình, bởi như đã nói, chuyện thách cưới phát sinh quá nhiều những chuyện buồn...
Nguyễn Thị Hải
Thách cưới

Tháng sau con gái bà Lan mới tổ chức đám cưới, nhưng suốt mấy tuần nay bà cứ bồn chồn về việc thách cưới cho con bao nhiêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN