Tháng sau con gái bà Lan mới tổ chức đám cưới, nhưng suốt mấy tuần nay bà cứ bồn chồn về việc thách cưới cho con bao nhiêu. Phong tục ở làng khi con gái đi lấy chồng thì nhà gái được quyền thách cưới và nhà trai phải đáp ứng. Nếu lấy của nhà trai ít quá thì chẳng bõ công đẻ con gái, còn lấy nhiều quá thì bị mang tiếng là gả bán con, điều tiếng để đời...
Trước hôm con gái làm lễ đăng ký kết hôn, bà Lan bàn với chồng:
- Nhà mình sẽ thách cưới bên nhà chồng con Liên bao nhiêu, theo hình thức nào?
- Không thách cưới gì hết!- ông Nam, chồng bà thẳng thừng tuyên bố.- Bà không thấy nhà chồng nó khốn khó sao mà còn nghĩ tới chuyện thách cưới...
- Tục lệ ở làng này xưa nay vẫn thế. Gì thì gì mình cũng phải thách một chút cho ra tấm ra món, cho thiên hạ người ta đỡ cười chê là nhà mình cho không, biếu không con gái.
- Mình sẽ không thách cưới đồng nào hết, mà chỉ yêu cầu nhà chồng nó mang một cái lễ trầu cau nho nhỏ sang để cúng ông bà tiên tổ. Nếu mình có “đòi” thì nhà họ cũng sẽ đáp ứng đủ, nhưng mai này chính vợ chồng nó phải gánh nợ, như vậy mình làm khổ con mình...
Trước hôm đại lễ, đoàn quan khách họ nhà chồng của Liên sang đàm đạo với nhà gái. Ông Nam tuyên bố với họ nhà trai:
- Theo phong tục của làng, xã ta thì con gái khi đi lấy chồng đều có quyền thách cưới ít nhiều. Thế nhưng, với nhà tôi, vợ chồng chúng tôi sẽ xóa bỏ tục lệ này, mà chỉ yêu cầu họ nhà trai cho xin một cái lễ trầu cau nho nhỏ để cúng lễ tiên tổ xin phép cho cháu theo chồng.
Một cái lễ nhỏ với trầu, thuốc trị giá chỉ vài trăm ngàn đồng được họ nhà trai đáp ứng trước hôm xin dâu, và đám cưới của Liên diễn ra cũng rất giản dị với tiệc ngọt và mấy mâm cơm khách ở tỉnh xa về. Vì là một đám cưới “phá cách” khi không thách cưới, không cỗ bàn linh đình nên dân làng cũng lời bàn ra tán vào. Người thì bảo: “Con gái xinh thế mà đem cho không biếu không!”, không ít kẻ rỉ tai nhau: “Kinh tế nhà gái đâu đến nỗi nào đâu mà tổ chức đám cưới úi xùi quá...!”.
Vâng, quả là chuyện không thách cưới, và tổ chức tiệc cưới giản đơn tiết kiệm như gia đình nhà ông Nam ở xóm tôi quả là quá hiếm, bởi xưa nay ở cái làng quê thuần nông nghèo khó này người ta vẫn luôn a dua nhau tổ chức tiệc cưới cho con cái một cách linh đình tốn kém bằng những khoản tiền đi vay, thậm chí vay lãi cao ngất ngưởng. Chuyện thách cưới cũng vậy, cứ con gái đi lấy chồng là nhà gái thách lên, thách xuống theo kiểu gả bán con. Có nhà thách cưới với số tiền lên tới nhiều chục triệu đồng làm họ nhà trai “bạc mặt” lo cho kỳ đủ. Chính vì phải lo phần tiệc cỗ bàn cưới hỏi ở nhà mình, cộng thêm khoản khá nặng gánh là số tiền phải đáp ứng tục thách cưới nên các gia đình có con trai lấy vợ thì khi đám cưới qua đi đều chịu một khoản nợ không hề nhỏ. Chỉ khổ cho các đôi trẻ, vì hầu hết bị bố mẹ bắt “gánh” phần nợ cưới phải trả nợ dần. Đã có không ít các cuộc cãi vã, thậm chí là tan vỡ hạnh phúc ở các đôi vợ chồng trẻ chỉ vì chuyện thách cưới mà nguyên nhân do nhà gái trót ăn lấy quá nhiều, quá “nặng” dẫn tới những chỉ trích nhiếc móc để đời về sau.
Nguyễn Long