Hồi còn bé, mỗi lần Tết đến, mẹ tôi lại bảo: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Những năm nửa thế kỷ trước, nước ta còn rất nghèo, dân ta còn rất khổ. Cơm không đủ ăn, ngày thường chẳng bao giờ được no. Những ngày giỗ chạp, trong đó có ngày giỗ cha cũng chỉ kiếm được bát cơm quả trứng cúng. Rồi mỗi người trong nhà nhường nhịn nhau, ai cũng bảo no mà bụng thực còn ngót. Vậy mà cứ đến Tết, dù nghèo khó phải đi vay chỗ này, mượn nhà kia, vẫn cố có đủ gạo nấu để mọi người được bữa no, ít nhất thì cũng từ bữa cơm chiều ba mươi đến sáng mồng một. Nồi cơm nấu đầy hơn để dư sang sáng mồng một, kẻo bị “dông” và cũng là mong ước năm mới được no đủ hơn…
Cứ vậy, qua nhiều Tết, anh chị em tôi khôn lớn, còn mẹ tôi thì mỗi năm một già, lưng còng hơn. Và sau mỗi Tết, như những con chim đủ lông đủ cánh, con cháu mẹ lại bay đi nhiều nẻo đường đất nước. Nhưng dù chúng tôi có làm ăn ở đâu, kẻ ở Sông Đà, người tận Đồng Nai, đều mong có ngày đoàn tụ với mẹ. Ngày đó chỉ có thể là dịp Tết. Sau những ngày bận tíu tít cuối năm là đến mồng ba mồng bốn Tết, thư thả hóa vàng. Dù còn vướng bận gì thì chúng tôi cũng phải về ăn cơm với mẹ trước lúc đi xa. Gần đến ngày ấy, mẹ ra ngóng vào đợi. Mẹ tự làm những món ăn mà chúng tôi thích, vì từ thời còn trẻ, mẹ đã được làng xóm khen về tài nấu ăn. Ai đã từng một lần ăn cỗ ở nhà tôi, đều nhớ mãi bát canh miến mẹ nấu vừa giòn, vừa ngọt, miếng thịt mẹ quay vừa vàng, vừa thơm…
Chiều mồng ba Tết. Kẻ trước người sau, con cháu tụ tập về nhà mẹ. Dù bận, mẹ vẫn không quên hỏi han từng đứa một. bao giờ đi, đi bằng gì, ngày nào lại đi làm… Mẹ vui, nhìn như trẻ ra so với những ngày thường. Sau khi sắp mâm cỗ cúng vái tổ tiên, hoá vàng, mẹ cho phép chúng tôi ngồi vào chiếu ăn. Cứ hai ba bố mẹ lại kèm bốn, năm đứa trẻ con. Mẹ tôi đứng lên ngồi xuống, nhìn xem con cháu đã đủ chưa, cỗ còn thiếu món gì, bát đũa, muôi, thìa chưa đủ thì sắp thêm…Mẹ nhìn con cháu ăn rào rào như tằm ăn rỗi mà trên khuôn mặt nhăn nheo nở nụ cười mãn nguyện…
Ngày nay, trước biến động của nền kinh tế - xã hội, truyền thống ăn chung cả nhà ở một số thành phần, tầng lớp đã mai một đi. Ở nông thôn, cảnh về già, ông một xoong, bà một bếp không hiếm. Còn ở đô thị, nhiều nhà đã tắt bếp cả ngày hoặc một bữa trưa. Nhịp sống công nghiệp, làm ăn mưu sinh cuốn hút phần lớn thời gian của người ta ở ngoài ngôi nhà của mình, trong khi các dịch vụ, nhà hàng ăn uống, cơm hộp… mở ra khắp nơi. Cả đến bữa tối kết thúc một ngày làm việc, mâm cơm vẫn còn vắng mặt người trong nhà.