Ý kiến cán bộ, đảng viên: Tạo động lực mới để nông nghiệp phát triển bền vững

Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 4-10/5 đã thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung:

Chú thích ảnh
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021. Đây là những vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Sau Hội nghị, phóng viên TTXVN tại An Giang đã ghi nhận ý kiến cán bộ, đảng viên về nội dung Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, những ngày qua, diễn biến Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cả nước cũng như tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm, theo dõi. Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến, quyết định nhiều nội dung, vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước, tạo động lực mới, vững chắc để phát triển kinh tế.

Bày tỏ phấn khởi khi Hội nghị Trung ương 5 bàn về những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định, đất nước Việt Nam hình thành và đi lên từ nông nghiệp; nông nghiệp đã, đang và vẫn sẽ là “bệ đỡ” cho nền kinh tế của quốc gia cũng như tỉnh An Giang cùng nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước trong suốt chặng đường phát triển sắp tới.
 
Có thể thấy, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Đời sống người nông dân ngày càng khấm khá hơn, “tỉ phú nông dân” xuất hiện ngày càng nhiều. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trở thành xu thế chung, được triển khai rộng khắp các địa bàn trong cả nước...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, dàn trải, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển; thu nhập giữa người dân vùng thành thị và nông thôn vẫn còn khoảng cách khá xa. Nông nghiệp vẫn còn đó bài toán khó “Được mùa, mất giá”; đời sống một bộ phận người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng “bỏ ruộng, rời quê lên phố” tìm kiếm việc làm vẫn diễn ra thường xuyên,… Điều này đòi hỏi cần ban hành Nghị quyết mới để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển đất nước.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, để Nghị quyết mới có tính khả thi thì phải có những giải pháp đột phá. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng cần có đột phá về hoàn chỉnh Luật Đất đai, vì thể chế về đất đai có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hàng hóa khi thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất còn chưa nhiều. Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương, các vùng chưa đồng đều, thiếu vững chắc…

Đồng quan điểm, đảng viên Ngô Ngọc Chuẩn, ở phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên đánh giá các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đưa ra thảo luận, cho ý kiến và quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 lần này mang ý nghĩa rất quan trọng, vừa tổng kết, đánh giá và định hướng phát triển về nông nghiệp, nông thôn, nông dân của đất nước trong giai đoạn đổi mới và những thập kỷ tới.

Để đạt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, xây dựng những vùng nông thôn thành “nơi đáng sống”, anh Ngô Ngọc Chuẩn cho rằng, Nghị quyết mới cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách mang tính đột phá về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đó là: Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về đất đai hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp; cho phép người dân chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, thế chấp đất nông nghiệp trong thị trường giao dịch nhằm hỗ trợ nông dân tích tụ đất nông nghiệp làm trang trại, phát triển hợp tác xã,…

Cùng với đó, cần thực hiện mở rộng chứng nhận đối tượng tài sản trên đất được ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như nhà kính, nhà lưới...). Bổ sung “đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp” trong phân loại đất nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất. Đề xuất mở rộng phạm vi, đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ thực sự muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch.

Nghị quyết mới cũng cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai 2013 theo hướng bỏ quy định về hạn điền nhằm tạo điều kiện tích tục đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; xây dựng chương trình đào tạo “nông dân chuyên nghiệp”, “lao động tay nghề cao” cho lao động nông thôn...

Công Mạo (TTXVN)
Ý kiến cán bộ, đảng viên: Tạo luồng gió mới cho phát triển nông nghiệp Đồng Tháp
Ý kiến cán bộ, đảng viên: Tạo luồng gió mới cho phát triển nông nghiệp Đồng Tháp

Từ ngày 4-10/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ 5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN