Từ ngày 4-10/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ 5 để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021. Đây là những vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phóng viên TTXVN tại Đồng Tháp đã ghi nhận ý kiến đảng viên, nông dân về về nội dung Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Bà Phan Thị Ngọc Hương (59 tuổi) ngụ xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho hay: Là nông dân sống ở vùng nông thôn nên vấn đề bà đang quan tâm là việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bà Hương thấy hiện nay, kinh tế nông nghiệp của Đồng Tháp tiếp tục chuyển dịch cơ cấu; áp dụng tốt các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Tỉnh thực hiện lồng ghép Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đặc biệt, với mô hình Hội quán được thành lập ở nhiều địa phương, tỉnh đã phát huy vai trò của người dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Theo bà Hương, diện mạo nông thôn ở Đồng Tháp khởi sắc rõ rệt từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Điển hình như vùng quê Mỹ Long của bà, giờ đây, nhiều tuyến đường được trải nhựa, lót đan và xây dựng nhiều cây cầu bê tông rộng rãi. Nhờ đó, điều kiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, trường học, trạm y tế xây dựng khang trang; tình hình an ninh, trật tự ổn định.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chưa tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, chưa phát huy vai trò chủ thể của mình, còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều địa phương… Bà Hương nghĩ rằng, để nông thôn ngày càng phát triển, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo được sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân trong xây dựng nông thôn mới và nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo chất lượng, không chạy theo thành tích.
Vấn đề nữa mà bà Hương đang quan tâm là giá bán nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, tồn tại điệp khúc “được mùa, mất giá”. Bà mong ngành chức năng tìm kiếm, mở rộng thị trường nông sản. Nông dân cần thay đổi, áp dụng quy trình sản xuất mới nhằm cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng. Ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, hỗ trợ định hướng, gợi ý nông dân chọn loại cây trồng, vật nuôi phù hợp; xem xét và có quy hoạch những vùng sản xuất nông nghiệp (xa khu dân cư) ở địa phương; tạo điều kiện cho nông dân vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi hay sản xuất, kinh doanh. Phát huy những kết quả đạt được, bà Hương mong Trung ương xem xét ban hành Nghị quyết mới để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới.
Theo ông Thái Văn Miên (sinh năm 1962), đảng viên Chi bộ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số 1, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã có tác động tích cực đến ngành nông nghiệp. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã có vai trò và đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với Đồng Tháp, phần lớn là sản xuất nông nghiệp, việc thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận, từng bước xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Với vai trò là đảng viên, thành viên của hợp tác xã suốt gần 20 năm qua, ông Miên cho rằng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đã tạo luồng gió mới cho nông nghiệp Đồng Tháp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; kêu gọi các công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhờ đó đầu ra và giá cả nông sản dần ổn định. Nông dân tham gia hợp tác xã thường xuống giống đồng loạt, gieo sạ cùng loại giống nên thuận lợi trong phòng trừ sâu bệnh và tiêu thụ nông sản, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Mặc dù vậy, một số người dân và cả thành viên của hợp tác xã chưa nhận thức đầy đủ về kinh tế tập thể, thường đặt lợi ích, quyền lợi cá nhân lên hàng đầu, không quan tâm đến lợi ích của tập thể. Năng lực điều hành, quản lý của đội ngũ lãnh đạo các hợp tác xã không đồng đều. Hằng tháng, hợp tác xã phải chi trả tiền điện phục vụ tưới tiêu cho thành viên, nhưng sau vụ lúa (hơn 3 tháng) mới được thu lại tiền của thành viên. Do vậy, trong thời gian này, hợp tác xã phải vay tiền bên ngoài với lãi suất cao để trả tiền điện.
Theo ông, để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, cần có chính sách đặc thù về thời gian chi trả tiền điện như được phép chi trả hằng quý; có biện pháp, chế tài xử lý đối với thành viên không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hợp tác xã, chẳng hạn như trường hợp không đóng chi phí tưới tiêu. Cả hệ thống chính trị tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân về kinh tế tập thể, phải gắn lợi ích cá nhân với lợi ích của hợp tác xã. Ngoài ra, cũng cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Chính quyền địa phương cần quan tâm, quản lý chặt nguồn vốn của hợp tác xã, tránh thất thoát và dư luận không tốt. Đội ngũ lãnh đạo hợp tác xã nên chọn người có trình độ, có khả năng điều hành, quản lý tốt, người sẵn có điều kiện về kinh tế. Nhà nước cần tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.