Lấy ý kiến Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Sáng 10/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân cho biết: Luật Thanh tra năm 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 15/11/2010. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới…

Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, kiến nghị về một số nội dung quy định về chức năng nhiệm vụ của thanh tra cấp sở; quy định về tiêu chuẩn, bổ nhiệm về thanh tra viên chính; việc xử lý chồng chéo về quyền hạn của các cơ quan liên quan trong việc thanh tra. Nhiều ý kiến cho rằng nên bổ sung giải thích thêm thuật ngữ “Quyết định thanh tra” để đảm bảo sự thống nhất cho việc hiểu và nhận thức và áp dụng pháp luật; nên bỏ điều 7 trong dự thảo vì trùng lặp với các quy định tại các điều 88, 95, 96 của chương IV và điều 103 của chương V; nên tiếp tục duy trì Thanh tra huyện như hiện nay vì tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã được hình thành và hoạt động lâu dài với chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân… Bên cạnh đó, nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ của thanh tra huyện sẽ chuyển giao cho thanh tra tỉnh. Đây sẽ là gánh nặng lớn của thanh tra tỉnh khi chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra ngày tăng lên.

Chú thích ảnh
 Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Đại diện Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đề nghị, Luật Thanh tra (sửa đổi) cần quy định rõ phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành nhằm tránh chồng chéo. Đồng thời, trong Luật Thanh tra (sửa đổi) chưa phân định rõ thanh tra và kiểm tra như chưa nêu được sự khác biệt, phân biệt ranh giới, quy trình, thủ tục giữa thanh tra và kiểm tra. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị cần bổ sung khoản 15, điều 2 trong Chương I về khái niệm và báo cáo kết quả thanh tra; đề nghị xem lại quy định về đối tượng thanh tra quy định tại khoản 9, điều 2 vì trên thực tế thanh tra thường liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong quyết định chỉ nêu cơ quan chủ quản.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu; Đoàn tiếp thu, tổng hợp chuyển tới cơ quan soạn thảo và có ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Thái Hùng (TTXVN)
Nghiên cứu, bổ sung trong Luật Thanh tra quy định về nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực của cơ quan thanh tra
Nghiên cứu, bổ sung trong Luật Thanh tra quy định về nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực của cơ quan thanh tra

Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 10 về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các quan điểm, nguyên tắc sửa đổi Luật nêu trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN