Người lao động cần chủ động vươn lên trong bậc thang giá trị
Theo điều tra, người dân Việt Nam nói chung và đặc biệt là giới trẻ rất lạc quan trước tương lai của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với sự lạc quan này, chia sẻ quan điểm về những thách thức dưới góc độ nhà hoạch định chính sách, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến rất nhiều công nghệ mới nhưng cũng cần quan tâm thỏa đáng tới những thách thức mà cuộc cách mạng này mang lại. Sự phát triển của công nghệ mới sẽ làm nảy sinh các cơ hội việc làm, tuy nhiên nhiều công việc cũ sẽ bị mất đi do bị thay thế; đặc biệt là những nghề Việt Nam đang có tỷ trọng lớn như dệt may, da giày, xây dựng, cơ khí hay những công việc đơn giản cho phụ nữ trong các nhà máy điện tử.
Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều mối lo ngại trước những yêu cầu đào tạo để người lao động có thể chuyển sang nghề mới, hoặc có trình độ cao hơn để đáp ứng những kỹ thuật mới. Đặc biệt, Việt Nam hiện nay vẫn còn khoảng 38% tổng số lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, điều cần thiết không chỉ là giải quyết nhu cầu việc làm mới và việc làm thay thế cho những người đã làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ như các nước phát triển, Việt Nam còn phải tiếp tục chuyển đổi những lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Từ đó, trong bức tranh toàn cảnh về việc làm đặt ra hai vấn đề, đó là giải pháp để tất cả lao động học được kỹ năng phục vụ cho công nghệ mới, đồng thời có thể tự tạo việc làm cho bản thân mình, không phụ thuộc vào nhu cầu việc làm từ các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Người nông dân có thể cải thiện kỹ năng, trình độ trong sản xuất để tiếp tục canh tác, tạo ra những công nghệ mới, tiếp cận với khách hàng không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới để bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự linh hoạt trong quá trình chuyển đổi việc làm, bà Francesca Chia, đồng sáng lập và điều hành Trung tâm đào tạo Goget (Malaysia) khẳng định, trang bị kỹ năng số cho người trẻ cũng như những người lớn tuổi để cập nhật các kỹ năng tốt, kiến thức mới là một trong những phương thức giúp sự chuyển đổi việc làm trở nên hợp lý với nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời, người lao động cần chủ động vươn lên trong bậc thang giá trị, đảm bảo nghiên cứu, tư duy lựa chọn phù hợp trong quá trình chuyển dịch, bởi đây là nền tảng thúc đẩy những thay đổi về hành vi. Hệ thống giáo dục ở các quốc gia cũng cần tạo cơ chế cung cấp, trang bị dữ liệu phong phú hơn cho các nhà giáo nói riêng và người dân nói chung để cổ vũ cho tinh thần học tập không ngừng nghỉ, tạo nên sự vận động, thích ứng với những thay đổi của xã hội.
Đánh giá về nguồn nhân lực trong khu vực, ông Haoliang Xu, Phụ trách Chương trình Phát triển Liên hợp quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, ASEAN là khu vực có dân số đông, với tỷ lệ dân số trẻ cao, vì vậy các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa trong việc trang bị kỹ năng, kiến thức cho người lao động thích ứng với tương lai việc làm. Chia sẻ quan điểm về vấn đề quản lý tuổi nghỉ hưu, ông Haoliang Xu nhấn mạnh, các chính phủ và doanh nghiệp cần thích ứng với yêu cầu này, hướng đến môi trường thuận lợi cho người lao động để họ lựa chọn, tạo lưới an sinh xã hội để người lao động trụ vững trước những cú sốc đến từ cả trong và ngoài nước.
Đồng tình với ý kiến của các diễn giả khác tại Phiên thảo luận, dựa trên cơ sở khung tham chiếu hướng đến sự phát triển bền vững, ông Haoliang Xu nhấn mạnh, tương lai sẽ có nhiều thay đổi về tái cơ cấu, người lao động không chỉ cần chú trọng học tập suốt đời, trau dồi kỹ năng, mà còn phải nhìn nhận cơ hội về tương lai việc làm dưới những góc độ mới chứ không đơn thuần theo tư duy truyền thống như trước đây. Chu kỳ nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm đang diễn ra ngày càng nhanh hơn. Các doanh nghiệp là nhân tố cấu thành quan trọng của việc thúc đẩy quá trình này. Vì vậy, các quốc gia cần chú trọng nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để khai thác tiềm năng về nhu cầu việc làm. Mỗi quốc gia sẽ có những chính sách không đồng nhất do sự khác biệt về xuất phát điểm và cơ sở kinh tế - xã hội, văn hóa, song ông Haoliang Xu hy vọng sẽ có tầm nhìn chung để tạo nên hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau vì tương lai thịnh vượng của khu vực ASEAN.
Giáo dục và phổ biến công nghệ là yếu tố then chốt
Chia sẻ về chương trình chuyển đổi việc làm và hỗ trợ người lao động thích ứng với những việc làm mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đang có nhiều dự án khác nhau, trong đó có dự án đổi mới các chương trình đào tạo từ bậc phổ thông cho đến dạy nghề và đào tạo trong các trường đại học trên tinh thần tương thích với một khung trình độ, trước hết là của ASEAN, sau đó là khung trình độ quốc tế. Phó Thủ tướng cho rằng, về mặt hệ thống, các quốc gia ASEAN cần tiến tới hợp tác với nhau để công nhận bằng cấp của nhau, chia sẻ học liệu, kinh nghiệm để cùng phát huy những ưu thế của mỗi quốc gia.
Bên cạnh đó, để đối mặt với những thách thức về vấn đề cơ hội việc làm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần đẩy mạnh tinh thần học tập suốt đời, học tập cho toàn bộ người dân ở bất kể độ tuổi. Tuy nhiên hiện nay khi nói đến học tập cho người lớn, số đông đều nghĩ tới độ tuổi từ 25 đến trên 30, rất ít người nghĩ tới việc học tập cho những người từ khoảng trên 60 tuổi. Phó Thủ tướng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mang lại cơ hội cho tất cả mọi người, nên cần chú ý hơn đến việc hỗ trợ người cao tuổi học tập để nắm bắt, hòa mình vào trong cuộc cách mạng này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, dù giáo dục phổ thông tại Việt Nam đang được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là có nhiều điểm tốt, song vẫn rất cần phải đổi mới. Trong đó, điều đặc biệt quan trọng là làm cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ phải ý thức được thế giới tương lai là rất khó đoán định trước. “Các em thay vì chỉ học một cách thụ động, vâng lời thì bây giờ phải biết rằng cần nghĩ khác đi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời cho rằng việc học tập hiện nay có nhiều thuận lợi do có sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin. Việt Nam đang có những dự án được khởi động để tạo ra kho trí thức giúp mọi người, đặc biệt là người cao tuổi học và nâng cao kiến thức của mình qua những phương tiện phổ biến như điện thoại thông minh, truyền hình, để thích ứng với những nhu cầu mới.
Liên quan đến một số vấn đề đặc thù như giáo dục cho trẻ em, Việt Nam tới đây sẽ ban hành chương trình sách giáo khoa mới cho trẻ em từ lớp 1 trên tinh thần khuyến khích hơn sự sáng tạo hơn; giáo dục cho học sinh tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống, mặt khác phải dám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi. Đối với người lớn tuổi và người dân nói chung, Việt Nam đang xây dựng môi trường Tri thức Việt số hóa, thu thập, tổng hợp các kiến thức của Việt Nam và của các nước để biên tập lại dưới dạng hỏi đáp đơn giản cho mọi ngành nghề, lứa tuổi; cố gắng tạo kho dữ liệu và khuyến khích các startup trẻ tận dụng kho dữ liệu để tạo ra nhiều ứng dụng thông minh cho mọi người, vừa để phát triển việc khởi nghiệp vừa tạo ra ứng dụng hỗ trợ thuận lợi hơn cho người dân trong việc học tập và cuộc sống nói chung. Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang phấn đấu mở rộng diện bao phủ của băng rộng, điện thoại thông minh, tiến tới không chỉ 57% dân số như hiện nay, mà tất cả người dân có thể sở hữu và sử dụng điện thoại thông minh để tìm ra cơ hội nâng cao trình độ trong tương lai.
Chia sẻ tại Phiên thảo luận, ông Ian Lee, Giám đốc vùng phụ trách châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Adecco (Singapore) cho rằng, cơ hội và thách thức đều có tính nhất quán ở sự thay đổi không thể đoán định trước trong tương lai. Do đó, các bậc phụ huynh phải chuẩn bị cho con cái mình hành trang thích ứng với những biến đổi, cần có tư duy mới trong đầu tư cho giáo dục của trẻ em, bởi chỉ đơn thuần dựa vào kinh nghiệm hay quan niệm cũ thì thế hệ tương lai sẽ bị thiếu hụt kỹ năng cho giai đoạn phát triển mới. Ông Ian Lee khẳng định, giáo dục cho tương lai cần chú trọng hơn vào đào tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng mềm; đồng thời tạo ra cơ sở chung cho những khu vực có trình độ không đồng đều hay sự thiếu đồng nhất giữa tốc độ già hóa dân số ở các quốc gia. Theo thời gian, rất nhiều nghề nghiệp của con người sẽ có sự thay đổi nên lao động tại các quốc gia ASEAN cần sớm thích ứng.
Đề xuất chính sách thúc đẩy sự phối hợp mạnh mẽ hơn giữa hệ thống giáo dục tại các quốc gia ASEAN và các doanh nghiệp, bà Vivian Lau, Chủ tịch JA châu Á – Thái Bình Dương (Đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc) nêu quan điểm: Đây là mối quan hệ cần sự tham gia xây dựng tích cực của các chủ thể khác nhau. Hiện nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia đã có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các trường đại học để tuyển dụng nhân sự, tạo đầu ra về việc làm cho các sinh viên có kiến thức, kỹ năng tốt. Trong giai đoạn tiếp theo, việc phổ biến công nghệ chính là chìa khóa để thực hiện dễ dàng hơn cơ chế này. Tuy nhiên, Chính phủ các nước cũng cần thể hiện vai trò rõ ràng hơn trong việc tạo chính sách, xác định những nghề nghiệp có ưu thế trong tương lai để có sự khuyến khích, ưu đãi và định hướng nhất định về tổng thể trong bối cảnh thị trường truyền thống đang dần chuyển dịch sang thị trường số. Đồng phát triển, đồng sáng tạo chính là yếu tố then chốt để cùng nhau hợp tác, thích nghi trong kỷ nguyên 4.0.
Tại Phiên thảo luận, các diễn giả đều bày tỏ sự lạc quan vào tương lai việc làm ở ASEAN, dù khẳng định sẽ có nhiều thay đổi lớn. Nhiều cơ hội phát triển đang nằm trong tầm tay của các quốc gia trong khu vực, không chỉ bởi sự phát triển của khoa học công nghệ, mà còn bởi bản chất của con người là không hài lòng với những gì mình đang có, điều này sẽ thúc đẩy thế hệ tương lai không ngừng học hỏi, vươn lên giải quyết các thách thức để tối ưu hóa công nghệ, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.