Việt Nam và Senegal mở rộng hợp tác song phương

Trong thời gian từ 8-14/3 Đại sứ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal Nguyễn Thành Vinh đã dẫn đầu đoàn công tác gồm Tùy viên Quốc phòng và Thương vụ Việt Nam tại Algeria đến Senegal để trình Ủy nhiệm thư lên Tổng thống Macky Sall.

Đoàn cũng có nhiều buổi gặp gỡ và làm việc với các bộ ngành Senegal để thúc đẩy phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương. 

Chú thích ảnh
Đại sứ Nguyễn Thành Vinh hội kiến Tổng thống nước Cộng hòa Senegal Macky Sall. 

Sau buổi lễ trình Ủy nhiệm thư vào ngày 10/3, Tổng thống Macky Sall đã tiếp thân mật Đại sứ Nguyễn Thành Vinh. Tại đây, Tổng thống Macky Sall khẳng định rằng Việt Nam và Senegal hai nước bạn bè, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, đồng thời, ông cũng nhắc lại mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Senegal và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp… 

Tổng thống Macky Sall cho rằng sự hợp tác tốt đẹp và chặt chẽ trước đây giữa hai nước trong nông nghiệp, khi Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia đến  truyền kinh nghiệm và hỗ trợ người dân Senegal trong lĩnh vực trồng lúa, góp phần giúp nước này tăng cường đảm bảo an ninh lương thực trong những năm qua.

Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Thành Vinh khẳng định rằng Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Senegal, đặc biệt trong các lĩnh vực hai nước có thế mạnh như nông nghiệp, kinh tế biển và thương mại. Đại sứ cũng khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình để góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ các buổi làm việc với các bộ ngành Senegal như Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp... hai bên đều khẳng định Việt Nam và Senegal có nhiều tiềm năng để mở rộng quan hệ hợp tác hơn nữa trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, thương mại, kinh tế biển và công nghệ thông tin. 

Cả hai bên đã nhất trí tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác thương mại và công nghiệp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư và kinh doanh tại thị trường của nhau thông qua việc tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tham dự các hội chợ và triển lãm quốc tế lớn như Vietnam Expo hay Foire internationale de Dakar. 

Ngoài ra, phía Senegal cũng muốn Việt Nam chia sẻ về kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế, về các hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa Việt Nam với những đối tác lớn trên thế giới; kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Senegal, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông sản như hạt điều, trái cây, sản xuất lúa, dịch vụ viễn thông; hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kiểm định hàng hóa…

Thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ 12/1969, Việt Nam và Senegal đã sớm ký kết một số thỏa thuận hợp tác nhằm mục đích tăng cường quan hệ hợp song phương. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên cho đến hiện nay vẫn được đánh giá là “khá khiêm tốn” và chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế - thương mại.

Trong nhiều năm qua, hai nước đã ký các thỏa thuận hợp tác như Hiệp định khung về hợp tác kinh tế-văn hóa-khoa học và kỹ thuật (1995), Hiệp định Hợp tác ba bên giữa Việt Nam-FAO-Senegal (1996), Thỏa thuận Hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp...

Senegal là quốc gia Tây Phi có nền chính trị ổn định, có chính sách thương mại thông thoáng và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Phi. Hiện nay, Senegal đang tích cực thực hiện “Kế hoạch Senegal mới nổi” do Tổng thống Macky Sall khởi xướng từ năm 2014 nhằm đưa nước này trở thành một nền kinh tế mới nổi vào năm 2035. Kế hoạch dựa trên ba cột trụ chính là chuyển đổi về cơ cấu các cơ sở kinh tế, phát huy nguồn lực con người và hướng tới việc Chính phủ điều hành tốt hơn, xây dựng một Nhà nước pháp quyền.

Theo số liệu thống kê trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 52,56 triệu USD (trong đó gạo chiếm 32 triệu USD), tăng 103% so với cùng kỳ 2018. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Senegal chỉ đạt 15 triệu USD, giảm 50%.

Theo Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận, bên cạnh mặt hàng gạo, hiện Việt Nam còn có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm khác sang Senegal như sản phẩm dệt may, linh kiện/phụ tùng xe máy, sắt thép các loại, hạt tiêu, sản phẩm làm từ sắn, sản phẩm bằng cao su, máy nông nghiệp… Về nhập khẩu, Việt Nam mua của Senegal các mặt hàng bông các loại, điều thô, hải sản, thức ăn gia súc phục vụ sản xuất, chế biến trong nước và xuất khẩu. 

Tuy nhiên, để tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai nước, trong thời gian tới, Việt Nam và Senegal cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, gặp gỡ và trao đổi thương mại; tăng cường hỗ trợ và thông tin cho nhau trong các trường hợp cần thiết có liên quan đến công dân hai nước; sớm tiến  tới ký kết miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ…

Tin, ảnh: Tấn Đạt (TTXVN)
Thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam - Senegal
Thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam - Senegal

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, ngày 10/3, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Senegal Nguyễn Thành Vinh đã trình Thư Ủy nhiệm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên Tổng thống nước Cộng hòa Senegal Macky Sall.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN