Vệ tinh VNRedsat-1 chụp ảnh vùng nghi vấn

Ông Chu Xuân Huy - Trưởng phòng Quản lý và khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh thuộc Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết: Lúc 11 giờ ngày 11/3, vệ tinh VNRedsat -1 bay qua khu vực đảo Thổ Chu và chụp ảnh trong phạm vi rộng 17,5 km; dài từ 80 đến 160 km. Vệ tinh có khả năng phát hiện và chụp được những vật thể có kích thước từ 2,5m trở lên.

Dự kiến thời gian chụp ảnh kéo dài trong khoảng 1 giờ. Đêm 11/3, dữ liệu ảnh sẽ được truyền về Trung tâm khai thác ảnh vệ tinh trên đất liền.

Sau khi được tin về vụ mất tích máy bay MH 370 của Hãng hàng không Malaysia tại khu vực gần đảo Thổ Chu của Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Cục Viễn thám (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - đơn vị được giao khai thác vệ tinh VNRedsat-1 phục vụ nghiên cứu khoa học về môi trường, đã yêu cầu Trung tâm chụp ảnh toàn bộ khu vực được nghi máy bay mất tích. Sau khi có kết quả chụp từ vệ tinh, đơn vị sẽ công bố để các cơ quan tham gia tìm kiếm cứu nạn có thêm dữ liệu làm cơ sở tiếp tục tìm kiếm.

Máy bay AN 261 cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện công tác tìm kiếm máy bay mất tích. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


VNRedsat-1 là vệ tinh quang học quan sát Trái đất của Việt Nam có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt Trái đất. VNRedsat-1 là vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam được phóng lên vũ trụ nhằm phục vụ công tác quan sát tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường, thiên tai, cung cấp ảnh vệ tinh phân giải cao giúp Việt Nam chủ động ứng phó với các sự cố thiên tai: lũ lụt, bão, cháy rừng, tràn dầu.

* Mở rộng vùng tìm kiếm cả trên đất liền

Sáng 11/3, trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia mất liên lạc tại trụ sở Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đã thông báo cho các đơn vị, địa phương ở đất liền Việt Nam, cụ thể là Quân khu 9, Quân khu 7 và Quân khu 5 - địa bàn vùng miền Tây, miền Đông Nam Bộ và Trung Bộ, để huy động lực lượng tăng cường tìm kiếm ở khu vực thưa dân, rừng núi. Do chúng ta chưa có dấu vết khả quan trong khu vực được khoanh vùng nên sẽ phải mở rộng vùng tìm kiếm kể cả trên đất liền. Kinh nghiệm từ nhiều trường hợp cho thấy tìm kiếm một nơi, nhưng vị trí xảy ra tai nạn lại ở chỗ khác. Đồng thời, chúng tôi cũng điện chỉ đạo cho các đơn vị giáp ranh đường biên giới tăng cường phối hợp với phía Lào, Campuchia để cùng tham gia nhiệm vụ này ở phía lãnh thổ các nước bạn".

Trung tướng Võ Văn Tuấn đã ký công điện thông báo cho Chủ tịch UBND các tỉnh là Trưởng ban khẩn nguy nằm trong khu vực liên quan, có trách nhiệm triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia bị mất liên lạc, cần chú ý tìm kiếm trên khu vực đất liền.

Hiện, lực lượng tìm kiếm tăng cường thêm 2 máy bay tuần thám CASA 212 của Cảnh sát biển. Đặc biệt là khu vực hoạt động sẽ mở rộng vùng tìm kiếm ở phía bên phải đường bay của máy bay Malaysia mất liên lạc, dự kiến từ vị trí mất tín hiệu thẳng vào Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung vào khu vực phía biển. Cụ thể là khu vực giữa đất liền với Côn Đảo và kéo dài tới phía mũi Cà Mau.


Thu Phương-Thanh Tuấn

Thiết lập 2 số điện thoại nóng tại Phú Quốc
Thiết lập 2 số điện thoại nóng tại Phú Quốc

Ngày 11/3, Sở chỉ huy tiền phương đã xác lập xong tại Phú Quốc và thiết lập 2 số điện thoại nóng để cung cấp thông tin về công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN