Tại Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn đặt tại Phú Quốc, sáng 11/3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu đã chủ trì cuộc họp báo triển khai công việc tìm kiếm trong ngày.
Theo đó, các lực lượng tiếp tục tìm kiếm với phạm vi mở rộng hơn. Ông
Phạm Quý Tiêu yêu cầu 3 máy bay AN26 hôm nay tiếp tục tầm bay dưới
1.500m, còn lại 2 chiếc trực thăng MI 171 bay thấp hơn, phối hợp với các
tàu của Hải quân, Cảnh sát biển, Hàng hải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ
tìm kiếm cứu nạn. Việt Nam sẽ làm hết mình để nỗ lực tìm kiếm máy bay
của nước bạn đang mất tích bí ẩn.
Lực lượng cứu hộ của Việt Nam đang dò tìm tung tích trên biển chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia bị mất tích. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các tàu thuyền ngư dân, nếu có phát hiện thì thông báo kịp thời cho Ủy ban tìm kiếm cứu nạn của tỉnh. Lực lượng biên phòng của tỉnh cũng phối hợp với các ngư dân đang đánh bắt cá xung quanh khu vực máy bay bị mất tích xem có thêm thông tin gì không.
Tỉnh cần chuẩn bị, sẵn sàng triển khai các công việc nếu như tìm kiếm được người hoặc đồ vật trên máy bay. Về Cảng hàng không Phú Quốc, Thứ trưởng yêu cầu chuẩn bị khu vực riêng biệt để kịp thời ứng cứu khi cần thiết; đồng thời tăng cường công tác y tế, tăng cường cho lực lượng bảo vệ hiện trường về hậu cần, phương tiện, con người.
Ngày 11/3, Sở chỉ huy tiền phương đã xác lập xong tại Phú Quốc và thiết lập 2 số điện thoại nóng để cung cấp thông tin về công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn sáng 11/3 cho biết: Tàu HQ888 sau khi kiểm tra ở phía đông nam của mũi Ô Cấp, Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 32 hải lý đã không phát hiện được những điểm khả nghi do Hàng không Hồng Kông cung cấp ngày 10/3. Do đó tàu HQ888 tiến hành rà soát từ đông nam Cà Mau đến tọa độ 8 độ 00 Vĩ độ Bắc - 105 độ 00 kinh độ Đông, trên đường hành trình tàu sẽ sử dụng máy quét đa tia và các thiết bị khác để rò tìm dưới đáy biển.
Sáng nay đã có 2 máy bay cất cánh tìm kiếm máy bay Malaysia mất liên lạc. Cụ thể máy bay AN 261 cất cánh lúc 7h30; đến 8h máy bay AN 267 bay ở phía đông. Căn cứ tình hình thực tiễn, lực lượng chức năng đã điều động thêm 2 máy bay tuần thám biển CASA cùng tham gia tìm kiếm. Máy bay CASA 8981 cất cánh lúc 9h22, tìm kiếm ở phía đông đảo Thổ Chu; máy bay CASA 8982 xuất phát lúc 9h38 tìm kiếm bên phải đường bay của máy bay Malaysia bị mất tín hiệu.
Đồng thời các tàu sẽ chia thành 2 khu vực tìm kiếm. Khu vực 1 có 1 tàu HQ 954, HQ 637, tàu SA 413 sẽ hoạt động 08 độ 00 Vĩ độ Bắc đến 103 độ 50 Kinh độ Đông. Vị trí khu vực 2 có tàu SA 273, tàu kiểm ngư 774, tàu CSB 2002 và CSB 2003, hoạt động ở tọa độ 07 độ 00 Vĩ độ Bắc đến 103 độ 50 kinh độ Đông.
Trong ngày 11/3, Sư đoàn Không quân 370 Quân chủng Phòng không không quân sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm từ Bãi Cạn mũi Cà Mau đến Tây Côn Đảo. Đại tá Trần Văn Lâm, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 370 - Chỉ huy chung lực lượng Sư đoàn tại Sân bay Cà Mau cho biết: Hôm nay, Không quân Việt Nam sẽ thực hiện nhiều chuyến bay đến các tọa độ được ấn định để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Sư đoàn huy động 16 phi công và 3 chiếc trực thăng Mi 171 đang trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh xuất phát.
Công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong ngày hôm nay sẽ được mở rộng phạm vi khoảng 20.000km2, phân vùng tìm kiếm trên biển nhằm tránh sự trùng lắp gây lãng phí và đảm bảo tuyệt đối an toàn, hiệu quả. Nếu thời tiết thuận lợi, máy bay trực thăng Mi 171 có thể hạ thấp độ cao dưới 300m để tìm kiếm và thẩm định các vật thể lạ, cũng như những vệt dầu loang trên biển.
Cũng trong sáng nay tại sân bay Cà Mau, Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tham gia chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia mất tích hôm 8/3.
Trường Giang - Thanh Tuấn - Kim Há