Mở rộng vùng tìm kiếm máy bay mất tích

Sáng 10/3, thủy phi cơ DHC6 của Quân chủng Hải quân Việt Nam tiếp tục cất cánh từ cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) bay ra vùng biển nghi vấn máy bay Malaysia gặp nạn để tìm kiếm, đặc biệt là xác định rõ vật thể được phát hiện chiều 9/3, nghi vấn là mảnh vỡ của máy bay.

Lập Sở chỉ huy tiền phương


Cũng trong sáng 10/3, ông Phạm Qúy Tiêu, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải dẫn đầu đoàn công tác đã đến đảo Phú Quốc để tiến hành thành lập Sở chỉ huy tiền phương, tiếp tục triển khai các phương án tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân 918 trả lời phỏng vấn các phóng viên tại sân bây Tân Sơn Nhất sau khi tham gia công tác tìm kiếm trở về.


Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân Vùng V cho biết: Đơn vị đã tập trung ở mức độ cao nhất công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và phục vụ cho việc thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc. Đơn vị cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên trong và ngoài nước tác nghiệp để thông tin kịp thời những diễn biến mới nhất và chính xác về máy bay mất tích. Hai tàu của Hải quân Vùng V đã xuống vùng biển phía nam để tiếp tục tìm kiếm máy bay bị nạn.


Ngoài 2 thủy phi cơ, 2 tàu SAR của đơn vị tìm kiếm cứu nạn hàng hải, đã có sự vào cuộc của các máy bay tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong khu vực của Quân chủng Phòng không không quân (gồm có 2 chiếc AN26, 1 chiếc trực thăng và chiếc DHC 6). Ngoài ra, 1 máy bay MI + 01 SUPER luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ.


Ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam, cho biết, sáng ngày 10/3 đã có 4 máy bay của Việt Nam và 7 tàu thủy của lực lượng hải quân và cảnh sát biển cùng 1 máy bay của Singapore đang tích cực tìm kiếm tại khu vực nghi có vật thể lạ. Trong buổi sáng 10/3, 2 máy bay AN26 đang mở rộng khu vực tìm kiếm ở phía trên đảo Thổ Chu và phía nam đảo Thổ Chu với tổng diện tích tìm kiếm lên đến khoảng 14.000 km2. Theo ông Đoàn Hữu Gia, tất cả các lực lượng tìm kiếm đều mong muốn tìm thấy những vật liên quan đến tàu bay lâm nạn trong khu vực nghi vấn cũng như các khu vực lân cận, để có thể nhanh chóng phát hiện ra chiếc máy bay cũng như xác định được nguyên nhân mất tích.


Chưa có kết luận cuối cùng


Công việc tìm kiếm bắt đầu "nóng" lên vào lúc gần 14 giờ chiều ngày 10/3, khi phía Malaysia thông báo tàu bay Singapore phát hiện một vật nghi xuồng cứu hộ trôi dạt trên biển cách đảo Phú Quốc khoảng 224 km và yêu cầu Việt Nam hỗ trợ. Do khu vực bạn báo tìm thấy xuồng thuộc lãnh thổ Việt Nam, nên ngay lập tức, 2 tàu bay của Việt Nam đang có mặt tại Phú Quốc đã xuất phát để tìm kiếm. Theo xác nhận của các máy bay, có một phao màu xám sọc đỏ, xanh nước biển. Ngay lập tức, những tàu tìm kiếm của Việt Nam lên đường tiến về khu vực phát hiện phao. Hai đường dây nóng cũng ngay lập tức được thiết lập tại Phú Quốc để sẵn sàng cho công tác chỉ huy, điều phối từ hiện trường.


Đến khoảng 16 giờ, theo thông tin từ tàu Hải quân 637, tàu đã vớt được xuồng cứu sinh, tuy nhiên, do liên lạc chập chờn nên đến hiện tại, vẫn chưa xác nhận được là trên xuồng có người hay không và đó có chính xác là xuồng cứu sinh của chiếc máy bay mất tích hay không.


Cũng khoảng 16 giờ 30, trong một diễn biến khác, đã có thông tin máy bay dân dụng của Hong Kong (Trung Quốc) báo về phát hiện nhiều mảnh vỡ tại vùng biển cách Vũng Tàu 60 km về phía đông nam (cách điểm tìm thấy xuồng cứu sinh khoảng 500 km). Đây là khu vực có nhiều tàu ngư dân và hàng hải Việt Nam hoạt động, nên ngay lập tức, Cảng vụ Vũng Tàu đã thông báo đến bộ đội biên phòng, các lực lượng cứu hộ tìm kiếm cứu nạn, các thuyền của ngư dân đang hoạt động trên vùng để triển khai công tác tìm kiếm.


"Dù cả hai hướng tìm kiếm đều đang tích cực, nhưng đến 18 giờ ngày 10/3, vẫn chưa có kết luận cuối cùng được đưa ra. Ngày 11/3, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi tìm kiếm lên 126.000 km2", đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, cho biết. Cũng theo đại diện này, trong ngày 10/3, các nước và Việt Nam đã rất tích cực và trách nhiệm trong tìm kiếm cứu nạn.

lSáng 10/3, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, ngày 10/3 các lực lượng tiếp tục tìm kiếm mở rộng về phía tây bắc so với khu vực tìm kiếm ban đầu. Malaysia đã thống nhất với Việt Nam tìm kiếm phía nam vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. Singapore thống nhất sẽ tìm kiếm khu vực giữa Việt Nam và Malaysia. Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cử đại tá Võ Hà Trung, Trưởng phòng Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành sáng 10/3 vào Phú Quốc (Kiên Giang), tham gia Sở chỉ huy cùng đồng chí Phạm Quý Tiêu, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.


Dự kiến sẽ có khoảng 23 máy bay, 39 tàu của các nước gồm: Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ, Philippines và Singapore tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất liên lạc.


Theo đề nghị của phía Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam đã cấp phép cho 3 tàu Trung Quốc và 1 tàu Mỹ vào tham gia tìm kiếm.


Tiến hiếu - TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN