Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng, là vùng đất cực Nam của Việt Nam, so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Cà Mau có xuất phát điểm khá thấp, cơ sở vật chất còn đang trong quá trình hoàn thiện. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh không cao; nguồn lực đầu tư còn ít. Mỗi năm, tỉnh có khoảng 40.000 lao động nhưng chỉ giải quyết việc làm tại chỗ được khoảng 40%.
Trong những năm gần đây, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh nguy cơ xâm nhập mặn rất cao, đặc thù của Cà Mau là nguồn nước sinh hoạt phụ thuộc chủ yếu vào nước mưa và nước ngầm. Từ đầu mùa khô năm 2020 đến nay, Cà Mau có hơn 20.500 ha lúa và 16.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại, 20.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; hơn 1.421 điểm sụt lún ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân...
“Môi trường sống bị ảnh hưởng sẽ phát sinh ra nhiều hệ lụy khác về sức khỏe của người dân, nhất là đối với các đối tượng yếu thế, đặc biệt là trẻ em. Trong đó, nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất là trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số… Do ảnh hưởng của tình trạng thiếu nước sạch, nước sinh hoạt, các bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020, tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của người dân, nhất là đối với hộ có thu nhập thấp, hộ nghèo, đối tượng chính sách. Thời gian qua, tỉnh đã thực tốt việc hỗ trợ các đối tượng theo đúng quy định của Chính phủ và đã nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Cà Mau đã xây dựng kịch bản cụ thể để khoanh vùng, thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, dập dịch kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề xuất với Đoàn công tác của UNICEF về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống người dân do thiên tai gây ra. Về dài hạn, tỉnh Cà Mau cần được hỗ trợ phát triển hệ thống quan trắc để đảm bảo đánh giá được xu hướng phát triển, dự báo tình hình để chủ động phòng, chống và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Cà Mau cần đầu tư hệ thống nước ngọt phục vụ sinh hoạt gia đình để đảm bảo sức khỏe phụ nữ và trẻ em; hệ thống nước ngọt tưới tiêu, phục vụ nuôi trồng đảm bảo cho các cụm dân cư ở những vùng khó khăn bị ảnh hưởng…
Qua trao đổi các nội dung mà hai bên cùng quan tâm, bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh Cà Mau trong việc hỗ trợ người dân nói chung, nhất là phụ nữ và trẻ em trong tình trạng khẩn cấp.
“UNICEF sẽ xây dựng chương trình hợp tác với Việt Nam trong 5 năm tới. Do đó, chúng tôi muốn hợp tác với tỉnh Cà Mau để thực hiện nhiều hoạt động hơn cho phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ về giáo dục, y tế, nước sạch, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai…”, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết.
Đồng thời, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam khuyến nghị Cà Mau tăng cường hơn nữa sự điều phối về phòng, chống thiên tai và dịch COVID-19, có biện pháp tích cực trước những tác động kép. Tỉnh cần quan tâm những gói hỗ trợ đặc biệt đối với những gia đình bị tổn thương. Với kinh nghiệm của mình, UNICEF tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật và hợp tác với tỉnh Cà Mau giải quyết khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra trong thời gian tới.