Khẩn trương khắc phục, phòng ngừa tình trạng sụt lún đất tại Cà Mau

Từ đầu năm 2020 đến ngày 18/5, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện hơn 1.600 điểm sụt lún đất với chiều dài hơn 25 km.

Chú thích ảnh
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình hộ đê biển Tây. Ảnh: TTXVN phát

Đơn cử, tuyến đường do cấp tỉnh quản lý có 9 điểm sụt lún, nguy cơ sụt lún 4.215 m; lộ giao thông nông thôn có 1.154 điểm sụt lún; riêng tuyến đê biển Tây có 3 điểm sụt lún với tổng chiều dài 240 m.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, mùa khô năm nay xuất hiện sớm và mức độ gay gắt hơn so những năm trước đây đã khiến cho nhiều kênh, rạch ở Cà Mau rơi vào tình trạng bị khô cạn, là một trong những nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, tỉnh Cà Mau phối hợp với các nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn Trung ương đánh giá thực trạng tác động do hạn hán trên địa bàn tỉnh nói chung và tình hình sụt lún đất nói riêng nhằm xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả để thực hiện.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện và thành phố trong tỉnh phối hợp tập trung triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục sụt lún đê biển, đường giao thông nông thôn phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, khảo sát thực tế để xác định những vị trí có nguy cơ tiếp tục sạt lở, sụt lún đất. Trên cơ sở đó, các đơn vị tập trung triển khai ngay các biện pháp gia cố bằng vật liệu địa phương (đất, đá, cừ tràm…), chuẩn bị sẵn sàng về vật tư, phương tiện, lực lượng và kinh phí để triển khai khắc phục ngay khi mùa mưa đến; đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành việc khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

Trước mắt, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống sụt lún đất; lắp đặt biển cảnh báo, biển báo hạn chế tốc độ, tải trọng, rào chắn, đèn chiếu sáng vào ban đêm tại các vị trí, đoạn tuyến bị sụt lún, rạn nứt và có dấu hiệu, nguy cơ sụt lún để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Đối với các công trình khẩn cấp bảo vệ an toàn tuyến đê biển Tây gồm 8 hạng mục, công trình như: bơm cát, bơm bùn, hộ đê khẩn cấp, sửa chữa kè và các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển Đông. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các công trình phòng, chống sạt lở đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, hồ sơ chặt chẽ theo quy định và đảm bảo hoàn thành tiến độ trước mùa mưa năm nay.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau tăng cường quản lý việc nạo vét đường thủy nội địa, đất ven sông, kênh, rạch, không để xảy ra tình trạng người dân khai thác lấy đất dưới lòng sông, bờ sông, bờ kênh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Kim Há (TTXVN)
Giải pháp giảm nhẹ sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long
Giải pháp giảm nhẹ sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 22/11, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu do Chính phủ Đức và Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN