Đặc biệt năm 2020, chúng ta đã đối phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do đại dịch COVID-19 gây ra, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc
Từ đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Trải qua 35 năm, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và bảo vệ Tổ quốc.
Văn kiện dự thảo của Ban Chấp hành Trung ương tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020), xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021 - 2030) có nêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, trong giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng đạt 6,8%/năm, năm 2020 do dịch bệnh COVID-19 tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 2%, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm. Tính chung cả thời kỳ chiến lược 2011 - 2020, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỉ USD năm 2010 lên 268,4 tỉ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020.
Cũng theo GS.TS Lê Hữu Nghĩa, qua 35 năm đổi mới, đất nước có nhiều thay đổi, sức mạnh tổng hợp quốc gia - dân tộc bao gồm sức mạnh vật chất và tinh thần, sức cạnh của truyền thống và hiện đại, sức mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại bắt nguồn từ sức mạnh của con người Việt Nam không ngừng được nâng cao, thế và lực của đất nước được nâng lên một tầm cao mới. Chế độ XHCN được giữ vững và tăng cường, ngày càng phát huy tính ưu việt, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được giữ vững và phát huy.
Từ một nước nghèo, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ kinh tế - xã hội lạc hậu, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh từ hơn 60% trước đổi mới, đến nay còn dưới 4%. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển bền vững, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng khá cao (giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân khoảng 6%/năm), thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên. Năng lực canh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng nhanh, xếp thứ 67/141 của các nền kinh tế toàn thế giới (năm 2019). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với quy luật khách quan.
Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng 43% GDP, đã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh; thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 157,1 tỷ USD (năm 2010) lên khoảng 566 tỷ USD (năm 2020). Đã xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, nhất là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển mạnh, đã phủ sóng thông tin di động đến 98% người dân với công nghệ hiện đại, tốc độ kết nối Internet trung bình đạt 9,5 Mb/s, xếp hạng 58 thế giới (năm 2018).
Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, có chất lượng tốt hơn. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa được mở rộng. Hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam được thực hiện chủ động, tích cực. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng đại học tăng 12 bậc từ hạng 80 lên 68; tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi (năm 2010) lên 73,7 tuổi (năm 2020). Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục được cải thiện, xếp thứ 116/189, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới.
Chất lượng nguồn nhân lực có sự cải thiện đáng kể, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% (năm 2010) lên khoảng 65% (năm 2020). Tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia được tăng cường; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam (Chỉ số GII) liên tục được cải thiện, từ vị trí thứ 59 (năm 2016) lên thứ 42 (năm 2020) trên 131 quốc gia và nền kinh tế, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp.
Tiềm lực, vị thế và uy tín ngày càng rạng danh
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liêt, tạo nhiều chuyển biến tích cực, củng cố được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngăn chặn, đẩy lùi một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có bước đột phá, đạt nhiều kết quả nổi bật, đã trở thành phong trào ngày càng đi vào chiều sâu; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và được quốc tế ghi nhận. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN có nhiều tiến bộ, sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng hợp lý hơn. Tổ chức bộ máy được sắp xếp lại tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường.
Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN được củng cố, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.
Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí uy tín cao trong năm 2020. Việt Nam được thế giới đánh giá là “ngôi sao sáng của châu Á”, được xếp vào top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hà, chúng ta đã bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình, trở thành điểm thu hút đầu tư và du lịch hấp dẫn của thế giới. Quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, từng bước xử lý ổn thỏa các vấn đề phát sinh. Coi trọng phát triển quan hệ với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và các đối tác chiến lược, toàn diện.
Theo GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, trở thành bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã tham gia có hiệu quả vào các định chế khu vực, toàn cầu, nhất là các FTA thế hệ mới và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách, đã ghi đậm dấu ấn về sự chủ động, tích cực trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Chính vì lẽ đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn chúng ta có quyền tự hào đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nền tảng đó tạo ra vận hội mới, tạo nên bệ phóng vững chắc đưa đất nước ta vươn lên những đỉnh cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.