Phó Thủ tướng bày tỏ hài lòng với việc Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch ngay khi Nghị quyết được Chính phủ ban hành, để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự quyết liệt của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các bộ, ngành trong việc triển khai Nghị quyết, thậm chí có những nội dung làm trước tiến độ Nghị quyết 11.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, xây dựng cơ chế, chính sách đã khó, nhưng thực hiện còn khó hơn, điều này liên quan đến nhiều yếu tố, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng.
Phó Thủ tướng lưu ý, khi đối tượng cần hỗ trợ lớn hơn nguồn lực được phân bổ, cần điều hòa sao cho phù hợp, hài hòa, tránh cơ chế “xin - cho”; cần quan tâm xem xét từng đối tượng được hưởng hỗ trợ, không để xảy ra sai sót, vi phạm.
“Việc các bộ, ngành, địa phương đề xuất giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện thể hiện sự tin tưởng rất lớn. Chúng ta phải quyết tâm không để xảy ra sai sót. Làm rất tốt nhưng chỉ một vi phạm nhỏ thôi là mang tiếng lắm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề nghị các địa phương quan tâm, làm tốt công tác phối hợp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ, “đây là làm cho địa phương mình, dành nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ các đối tượng còn khó khăn, phục hồi kinh tế - xã hội ở chính địa phương mình, do vậy, khi đã có chính sách rồi phải phối hợp thực hiện cho tốt”.
Ngân hàng Chính sách xã hội được giao triển khai thực hiện 5 chương trình ưu đãi tín dụng với tổng nguồn vốn 38,4 nghìn tỷ đồng. Các bộ, ngành cần rà soát lại chính sách, điều kiện, đối tượng được hỗ trợ, triển khai nhanh các chương trình, đặc biệt là chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và chính sách cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Đây là hai chương trình có nguồn vốn lớn (tổng cộng 25 nghìn tỷ đồng).
Nhấn mạnh đây là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội riêng, thực hiện nhiệm vụ này nhưng các bộ, ngành, địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội không được xao lãng công việc thường xuyên của mình, Phó Thủ tướng khẳng định “với trách nhiệm cao như vậy, Chính phủ đã định hướng đúng khi giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình. Đây là ngân hàng chuyên nghiệp và có uy tín”. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách tín dụng thời gian tới.
Tin tưởng Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, được thụ hưởng chính sách công bằng, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế. Trong quá trình triển khai, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, cùng chung tay với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bùi Quang Vinh cho biết, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm 2021 - 2025. Ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Theo Nghị quyết, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao triển khai thực hiện 5 chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023). Đó là, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 7.000 tỷ đồng.
Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 6.800 tỷ đồng.
Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Việc cho vay để trang trải chi phí học tập thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg và các văn bản liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 1.500 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được giao cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 3.000 tỷ đồng.
Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 700 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hội viên, người lao động và nhân dân biết, tổ chức thực hiện và giám sát.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… đều ghi nhận sự vào cuộc nhanh và quyết liệt của Ngân hàng Chính sách xã hội; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng trong triển khai các nội dung của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.