Bỏ xin - cho tuyến vận tải hành khách

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 60/BGTVT bỏ quy định chấp thuận tuyến vận tải khách cố định. Theo đó, từ ngày 1/1/2016, các Sở GTVT sẽ phải công bố chi tiết biểu đồ chạy xe, các doanh nghiệp (DN) căn cứ trên biểu đồ để biết được tuyến, chuyến xe nào còn trống để đăng ký hoạt động chứ không cần phải xin phép để được chấp thuận tuyến như hiện nay.


DN không phải xin chấp thuận tuyến

Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Phan Thị Thu Hiền cho biết: Sở GTVT các địa phương phải công bố chi tiết biểu đồ chạy xe. Các DN căn cứ trên biểu đồ sẽ biết được tuyến, chuyến xe nào còn trống để đăng ký và nếu có hồ sơ hợp lệ thì đương nhiên được quyền vào khai thác chứ không cần có sự chấp thuận của các Sở GTVT như trước.

Bỏ chấp thuận luồng tuyến sẽ tạo điều kiện cho các doanh ngiệp.

Quy định này của Bộ GTVT nhận được đồng tình của nhiều DN vận tải. Bởi, việc các DN vận tải muốn có luồng tuyến cố định hoạt động phải xin cấp phép chấp thuận luồng tuyến chạy tại Sở GTVT các địa phương đã tạo ra cơ chế xin - cho giữa cơ quan có thẩm quyền cấp phép và các DN. Theo đại diện các DN vận tải, quy hoạch luồng tuyến là mối quan tâm rất lớn của DN vận tải, trong đó có việc chấp thuận tuyến giữa hai Sở Giao thông Vận tải của nơi xe đi và đến.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam lại cho rằng: Việc bỏ chấp thuận luồng tuyến sẽ tạo điều kiện cho các DN vận tải khách hoạt động ổn định thông qua việc công khai quy hoạch chi tiết trên từng tuyến vận tải.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có hơn 3.200 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, trên 1.200 DN kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh với khoảng 22.600 xe. Trong số này, đa số là các DN quy mô nhỏ (42% DN có 5 xe trở xuống, 14% có từ 6 - 10 xe, 34% có từ 11 - 50 xe, chỉ có 8% có trên 50 xe và 2% có trên 100 xe).

Do nhiều DN có năng lực quản trị kém, chất lượng dịch vụ chưa cao, nên hoạt động vận tải khách được các bến xe đánh giá là phức tạp và thường xuyên xảy ra mất trật tự, an toàn giao thông. Nhất là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành khách, đi sai luồng tuyến… thường xuyên diễn ra ở hầu hết các địa phương.

“Với cơ chế xin - cho để được chấp thuận tuyến vận tải như hiện nay, DN sẽ tốn rất nhiều thời gian để xin phép và cũng rất dễ nảy sinh tiêu cực”, lãnh đạo một DN cho biết.

Tại Hà Nội, theo quy hoạch chi tiết được Bộ GTVT phê duyệt, Sở GTVT phải bố trí luồng tuyến đến và đi từ các tỉnh, thành phố vào các bến xe. Các tuyến theo QL1, QL1B vào bến xe Gia Lâm, các tuyến đi theo đường Hồ Chí Minh, QL6 vào bến xe Yên Nghĩa, các tuyến đi theo hướng QL32, cầu Thăng Long vào bến Mỹ Đình, các tuyến phía Nam đi theo hướng QL1, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát.

Hiện nay, tình trạng nhiều DN bỏ bến chạy “dù”, núp bóng hợp đồng chạy tuyến cố định, cố tình chạy phá lộ trình… đang gia tăng, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh với các DN làm ăn chân chính. Bởi xe dù, xe núp bóng hợp đồng có thể chạy bất cứ đâu, đón, trả khách tùy tiện, không cần phải vào bến, không bị quản lý tuyến, không mất chi phí bến bãi… Trong khi đó, các xe chạy đúng luồng tuyến buộc phải vào bến đón, trả khách, nộp thuế, phí... Sự cạnh tranh bất bình đẳng này còn khiến Nhà nước thất thu thuế lớn, chưa kể thiệt hại do ô nhiễm khói bụi, ùn tắc gây ra. Vì vậy, theo đánh giá của Bộ GTVT, việc thực hiện nghiêm Thông tư 60/BGTVT sẽ khắc phục những bất cập này.

Tăng cường hậu kiểm

Mặc dù nhận được sự đồng tình của DN nhưng nhiều ý kiến lại lo ngại bỏ quy định chấp thuận tuyến sẽ dẫn đến khó quản lý hành khách liên tỉnh.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, vận tải khách liên tỉnh hiện rất phức tạp, do đó, cần xem xét một cách thận trọng việc bỏ chấp thuận luồng tuyến. “Không có chấp thuận luồng tuyến thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm, đơn vị nào sẽ cấp phù hiệu tuyến cố định, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm khi doanh nghiệp làm sai?”, ông Liên nêu vấn đề.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, nếu bỏ chấp thuận tuyến, cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn không nắm được thực trạng số lượng, sản lượng hoạt động vận tải của địa phương quản lý. Các báo cáo của doanh nghiệp vận tải và bến xe đều không bị ràng buộc bằng bất cứ chế tài nào nếu bỏ chấp thuận tuyến. Hơn nữa, chế tài xử lý vi phạm của đơn vị khai thác bến xe chưa đủ, chưa có tính răn đe cao, không thể dừng hoạt động của bến xe có nhiều vi phạm, chỉ có chế tài điều chuyển luồng tuyến sang bến khác khi bến xe vi phạm và việc xử lý vi phạm cũng không thực hiện được nếu các đơn vị vận tải và bến xe thỏa thuận với nhau.

Theo một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải tại các bến xe TP Hồ Chí Minh như bến xe miền Đông, bến xe miền Tây: Thông tư số 60/BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc bỏ quy định chấp thuận tuyến vận tải khách cố định vừa ban hành, sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị; bởi hiện nay các doanh nghiệp đang khai thác tuyến ổn định ở các bến xe, với lộ trình, giờ chạy đã rõ ràng.

Đại diện lãnh đạo bến xe miền Đông cho biết: “Chúng tôi đã nắm được thông tin về Thông tư 60 và phía Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện thông tư. Tuy nhiên, trên thực tế trách nhiệm thuộc Sở GTVT, sở đưa đơn vị nào vào thì bến tiếp nhận, chứ bến không có quyền quyết định”.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, việc bỏ quy định xin chấp thuận tuyến không có nghĩa là buông quản lý. “Khi đã thực hiện theo Thông tư số 60, các Sở GTVT sẽ chỉ thực hiện công tác hậu kiểm thông qua việc cấp phù hiệu xe chạy tuyến cố định. Các DN phải chấp hành theo đúng các điều kiện, chất lượng dịch vụ mà đơn vị đăng ký khai thác, nếu không sẽ bị các Sở GTVT tuýt còi. Trong trường hợp có thêm đơn vị khác đăng ký (có 2 đơn vị đăng ký), sẽ tiến hành đấu thầu, lựa chọn. Việc đấu thầu này cũng như đấu thầu xây dựng cơ bản. Đơn vị nào có khả năng tốt hơn sẽ được lựa chọn tham gia tuyến”, bà Hiền khẳng định.

Đề cập đến công tác hậu kiểm, đại diện của Bộ GTVT cũng cho biết, Nhà nước vẫn có thể kiểm soát được thông qua thiết bị hộp đen và hàng tháng doanh nghiệp vận tải đều có báo cáo, thống kê về biểu đồ xe chạy, hướng tuyến…

Bà Hiền cho biết thêm, để bảo đảm công khai, minh bạch trong việc đăng ký, lựa chọn khai thác tuyến, sau khi Sở GTVT tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai thác tuyến, trong thời hạn 5 ngày làm việc, Sở GTVT phải kiểm tra hồ sơ. Trong thời hạn 2 ngày làm việc tiếp theo phải công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT việc DN đăng ký khai thác tuyến thành công hoặc không thành công. Trường hợp đăng ký khai thác tuyến không thành công, Sở GTVT phải thông báo bằng văn bản cho DN và nêu rõ lý do.
Bài, ảnh: Tiến Hiếu
Đấu thầu tuyến vận tải hành khách
Đấu thầu tuyến vận tải hành khách

Quy hoạch luồng tuyến kinh doanh vận tải hành khách để loại bỏ cơ chế “xin cho”, làm minh bạch hoạt động kinh doanh vận tải khách, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xe.. đang là vấn đề nóng của ngành Giao thông vận tải (GTVT).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN