Đấu thầu tuyến vận tải hành khách

Quy hoạch luồng tuyến kinh doanh vận tải hành khách để loại bỏ cơ chế “xin cho”, làm minh bạch hoạt động kinh doanh vận tải khách, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xe, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ xe khách, đảm bảo an toàn giao thông... đang là vấn đề nóng của ngành Giao thông vận tải (GTVT).

Trùng tuyến do “xin cho”

Đại diện Công ty cổ phần Vận tải khách Hoàng Hà (Thái Bình) cho biết: Doanh nghiệp có gần 300 đầu xe khách hoạt động tuyến cố định liên tỉnh. Tuy nhiên, trên các tuyến hiện nay thường xuyên có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, nhất là có quá nhiều đầu xe của các doanh nghiệp hoạt động chồng chéo, trong khi lượng khách ngày càng giảm. Thực tế này là nguyên nhân của tình trạng phóng nhanh vượt ẩu để tranh khách và nguy cơ tai nạn giao thông. Kéo theo đó là tình trạng “bến cóc, xe dù” nở rộ nhờ cơ chế “xin cho” tuyến chạy dễ dàng tại các địa phương.

Quy hoạch bến xe là căn cứ để thực hiện quy hoạch tuyến vận tải cố định liên tỉnh tại các địa phương.


Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Phan Thị Thu Hiền nêu rõ: Cả nước hiện có gần 6.400 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Cự ly trung bình của mỗi tuyến là 245 km, tuyến liên tỉnh có chiều dài dưới 300 km chiếm tới 60%, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Trên thực tế, hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh đang tồn tại nhiều bất cập, nhất là chưa có quy hoạch tuyến vận tải. Bên cạnh đó, tình trạng trùng tuyến dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Đơn cử như tuyến Hà Nội - Thái Bình trùng với Hà Nội - Nam Định...

Trên thực tế, địa phương nào hiện nay cũng xảy ra tình trạng trùng tuyến, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Thậm chí, một số tuyến đang xảy ra tình trạng cung vượt cầu, từ đó xuất hiện các hiện tượng bảo kê, làm ăn chộp giật. Cũng vì chưa có quy hoạch tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh nên việc trao đổi thông tin giữa các sở GTVT địa phương chưa bảo đảm, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như gây phiền hà cho doanh nghiệp vận tải...

Về vấn đề này, các chuyên gia giao thông nhận định: Lâu nay, các địa phương quản lý tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh theo cơ chế “xin - cho”. Có nghĩa là để đơn vị kinh doanh vận tải tự nghiên cứu thị trường. Ở đâu có nhu cầu vận tải thì đề xuất Sở GTVT xem xét chấp thuận hoặc đề nghị lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận.

Đấu thầu khi mở tuyến mới

Khắc phục tình trạng trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng: Quy hoạch Tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT mới thông qua sẽ tăng cường vai trò quản lý nhà nước về vận tải hành khách, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh. Quy hoạch lần này mang tính động và mở. Động là điều chỉnh hàng năm, còn mở là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Theo đó, quy hoạch sẽ thu gọn từ gần 6.400 tuyến xuống còn hơn 4.600 tuyến. Định kỳ hàng năm, các sở GTVT sẽ công bố công khai trên tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có bao nhiêu xe, lưu lượng xe cần thiết trên tuyến như thế nào, để các doanh nghiệp biết được nhu cầu thực tế khi đầu tư tham gia kinh doanh vận tải, tránh tình trạng “xin cho”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, thực hiện quy hoạch này, thời gian tới, khi mở tuyến mới, các địa phương phải tiến hành đấu thầu, kể cả các tuyến hiện nay có lưu lượng lớn cũng phải đấu thầu lại. Việc đấu thầu công khai sẽ đảm bảo các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó lựa chọn được các doanh nghiệp đủ năng lực; đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh vận tải công khai minh bạch, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng 4 tiêu chí triển khai quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh tại các địa phương bao gồm: Tuyến phải có bến xe đi, đến được cơ quan có thẩm quyền công bố và xếp loại phù hợp với cự ly tuyến theo quy định; có hệ thống đường bộ được công bố đưa vào khai thác trên toàn bộ hành trình; tuyến quy hoạch điều chỉnh, quy hoạch mới có cự ly vận chuyển không quá 2.000 km; tuyến có nhu cầu vận tải trên tuyến đảm bảo có tần suất khai thác không thấp hơn 30 chuyến/tháng đối với tuyến có cự ly dưới 300 km hoặc 8 chuyến/tháng đối với tuyến có cự ly tuyến từ 1.000 - 2.000 km.

Để thực hiện quy hoạch trên, Bộ GTVT đã đề ra nhiều giải pháp như: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh; ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư hệ thống bến xe, điểm đón, trả khách, trạm dừng, nghỉ để hỗ trợ người dân thuận tiện tiếp cận và tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, bảo trì các tuyến đường bộ phục vụ vận tải hành khách liên tỉnh đến các tỉnh miền núi, địa hình khó khăn, các huyện vùng sâu, vùng xa...

Tiến Hiếu
Sẽ quản chặt kinh doanh vận tải xe khách
Sẽ quản chặt kinh doanh vận tải xe khách

Vận tải xe khách dưới các hình thức sẽ bị quản chặt chẽ hơn bằng các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo theo hướng tăng cường quản lý điều kiện an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, minh bạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN