Các quốc gia đã đồng ý nối lại đường bay với Việt Nam
Bộ GTVT vừa giao Cục Hàng không Việt Nam (CHKVN) trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước đối tác có đường bay đến Việt Nam để quyết định nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ như trước đây và kết quả khai thác tới các thị trường quốc tế trong tháng 1/2022 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo lãnh đạo CHKVN, đến thời điểm này, ngoại trừ Trung Quốc, tất cả các quốc gia Việt Nam đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý nối lại chuyến bay thường lệ. Hiện các đường bay tới châu Âu, Úc, Mỹ… các hãng hàng không nội địa đều đã có hoạt động khai thác. Đáng chú ý, những đường bay quốc tế tới các thị trường mới như Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ… đang được ngành Hàng không lên kế hoạch khai thác.
Đại diện Vietnam Airlines khẳng định, nếu chậm triển khai, hàng không Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch, mà còn với các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang “rót” vốn đầu tư tại Việt Nam. Thêm vào đó, các doanh nghiệp hàng không, du lịch vừa bị suy yếu, mất khả năng cạnh tranh với các hãng, doanh nghiệp trong khu vực, vừa khó phục hồi sau đại dịch.
Về phía các hãng hàng không, hiện Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways đã khôi phục lại các đường bay quốc tế thường lệ tới các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Úc, châu Âu, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ chiều về được phép chở công dân Việt Nam về nước, khách công vụ, chuyên gia và thí điểm một số chuyến bay đón khách du lịch quốc tế...
Thực tế hoạt động bay quốc tế vẫn hạn chế, trong khi các hãng hàng không đều khẳng định, đã sẵn sàng về phương tiện, nhân sự để bay chở khách quốc tế ngay khi được phép và mong sớm được triển khai. Vì vậy, các hãng hàng không hiện nay đều mong muốn sớm có lộ trình mở cửa hàng không quốc tế thường lệ rõ ràng.
Phụ thuộc điều kiện giám sát y tế
Thực tế, với tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao, các nước trên thế giới đã nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách cạnh tranh để thu hút khách quốc tế, đón đầu nhu cầu đi lại sau khi đại dịch đang từng bước được kiểm soát. Chính sách chủ yếu của các quốc gia là không hạn chế đối tượng và mục đích đi lại, bao gồm cả khách có quốc tịch nước sở tại, kiều bào và khách quốc tế (chỉ cần có hộ chiếu và thị thực hợp lệ).
Theo chỉ đạo của Chính phủ, chậm nhất là ngày 30/3 mở lại các đường bay quốc tế và tinh thần là mở cửa sớm được ngày nào tốt ngày đó. Thời điểm này phải mở cửa và phát động lại thị trường để các hãng hàng không lên kế hoạch, phương án khai thác, kế hoạch bán vé máy bay. Vấn đề hiện nay là tập trung tiếp thị và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về các điều kiện nhập cảnh để hành khách quốc tế đi/đến Việt Nam.
Qua tìm hiểu, do yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 xâm nhập từ bên ngoài, Việt Nam đã có quy định mọi người nhập cảnh phải cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, các hãng hàng không có kế hoạch cách ly cho hành khách. Điều này dẫn đến việc các hãng hàng không buộc phải bay rỗng (không chở khách) vào Việt Nam, chỉ chở khách đi.
Trước đó, tháng 12/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 10688 dỡ bỏ các quy định cách ly và tạo điều kiện để khôi phục bay thương mại quốc tế. Bộ GTVT đã triển khai ngay việc đàm phán nối lại đường bay và đã triển khai khôi phục một số đường bay thương mại thường lệ ngay từ dịp Tết Dương lịch 2022. Ngay sau đó, các hãng hàng không nội địa đã thực hiện thí điểm các chuyến bay thường lệ quốc tế và thí điểm đón khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.
Qua các chuyến bay thí điểm thời gian qua, rà soát của ngành Hàng không cho thấy, việc khôi phục lại đường bay thương mại thường lệ quốc tế góp phần hiệu quả thúc đẩy đầu tư, khôi phục du lịch, phát triển kinh tế, nhất là giúp doanh nghiệp hàng không giảm bớt khó khăn; đồng thời, đáp ứng nhu cầu đi lại của các chuyên gia, nhà đầu tư, công dân Việt Nam... Khi bay thương mại quốc tế thường lệ có lịch trình biết trước, người có nhu cầu đi lại có thể lên kế hoạch thuận lợi, nhiều hãng cùng bay giúp giá vé cạnh tranh. Ngành Hàng không luôn sẵn sàng bay quốc tế, chỉ có vấn đề là phải bỏ rào cản kỹ thuật người nhập cảnh phải cách ly.
Thực tế, Việt Nam đã tiêm phủ vaccine diện rộng. Bên cạnh đó, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, sau khi Chính phủ chỉ đạo địa phương không tạo thêm rào cản, ngay lập tức, du khách đi lại và du lịch tăng đột biến, khiến các lĩnh vực liên quan như lưu trú du lịch, dịch vụ vận tải... bị động. Vì vậy, lộ trình mở cửa hàng không, du lịch phục vụ phát triển kinh tế cần sớm được các cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp rõ ràng, để các doanh nghiệp liên quan chủ động chuẩn bị nhân lực, nguồn lực, đảm bảo dịch vụ phục vụ an toàn trong phòng chống dịch bệnh.