TP Hồ Chí Minh giảm phiền hà, nhũng nhiễu khi thực hiện cải cách hành chính

TP Hồ Chí Minh đang áp dụng nhiều biện pháp như: ứng dụng công nghệ thông tin, luân chuyển cán bộ, tăng trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo… để thực hiện tốt việc cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, tất cả các thủ tục hành chính của TP Hồ Chí Minh đều khuyến khích người dân thực hiện qua mạng. Đây cũng là dịp TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Trong mùa dịch bệnh COVID-19, người dân TP Hồ Chí Minh ở nhà vẫn có thể thực hiện các thủ tục hành chính thông qua cổng thông tin cải cách hành chính của các quận, huyện. Ảnh: HT

Đang có nhu cầu đăng kí hồ sơ kinh doanh, thay vì đến quận Tân Bình nộp hồ sơ, anh Vũ Văn Trung đã sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến của quận. Anh Trung cho biết, trong mùa dịch bệnh, ai cũng ngại tiếp xúc và hạn chế ra đường nên dịch vụ công trực tuyến đã và đang giúp người dân rất nhiều. "Chỉ cần một chiếc máy vi tính có kết nối mạng hoặc sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh là có thể giải quyết được công việc mình đang cần. Hiện nay đang là thời đại công nghệ 4.0, mình cũng cần phải thay đổi thói quen cầm bút ngồi viết từng trang hồ sơ và sau đó lên quận để hỏi cách khai thì nay người dân chỉ cần ở nhà mở máy tính và sẽ được cán bộ hướng dẫn thực hiện các dịch vụ công tận tình mà không cần phải đến UBND quận. Điều này đang giúp tôi cầm thấy tự tin, an toàn hơn trong mùa dịch bệnh”, anh Trung nói.

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực đơn giản thủ tục, giảm bớt phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Đặc biệt, thành phố còn có các biện pháp khác ngăn chặn tình trạng cán bộ, công viên chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân như tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công viên chức; xây dựng, thực hiện tốt quy chế làm việc, các quy trình, thủ tục phù hợp đảm bảo tính minh bạch, hạn chế tối đa việc tiếp xúc riêng giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết công việc.

“Để làm được việc này, thành phố chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước đã được kết nối đến 100% sở ngành, quận – huyện. Bên cạnh đó, thành phố còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác xử lý các phản ánh về vi phạm, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, tra cứu kết quả thực hiện thủ tục hành chính…”, ông Trương Văn Lắm cho biết.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo trong một cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh COVID-19. Ảnh: HT

Nói về hiệu quả của công tác cải cách hành chính, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, hoạt động cải cách hành chính trên địa bàn thành phố diễn ra sâu rộng tại từng đơn vị, sở ngành, quận huyện. Lãnh đạo các đơn vị, sở ngành đã quan tâm hơn đến sáng kiến cải cách hành chính, thực hiện họp trực tuyến trong suốt mùa dịch COVID-19, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với mô hình “phòng họp không giấy”; đôn đốc các đơn vị chậm trả lời, không có thời hạn chuyển sang có thời hạn sau 15 ngày nhận hồ sơ phải thông tin tiến độ giải quyết, khi chậm trả lời sẽ có thư xin lỗi gửi đến người dân. Trong mùa dịch bệnh COVID-19, để hạn chế tụ tập đông người, Quận Thủ Đức, Quận 9... còn tiến hành đăng kí các thủ tục qua mạng xã hội, gọi điện thoại vào đường dây nóng và cán bộ sẽ giao hồ sơ tận nhà cho người dân chỉ sau vài phút gọi điện thoại, đăng kí…

“Mới đây, lần đầu tiên thành phố ban hành quy chế phối hợp, quy định thời gian và quy trình cụ thể về giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các quận, huyện, sở ngành; thực hiện chi thu nhập tăng thêm gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc của cán bộ công chức. Nếu cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cắt giảm thu nhập tăng thêm, thậm chí sẽ bị chuyển đổi công việc phù hợp”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nói.

Chuyển đổi vị trí cán bộ

Ngoài việc tiến hành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ quản lý nhà nước hiệu quả hơn, hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ, viên chức với người dân, TP Hồ Chí Minh còn chủ động rà soát nguy cơ tham nhũng theo vị trí làm việc. Trong đó, tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công viên chức thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp nhưng có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu trong các lĩnh vực kế toán, thủ quỹ, thanh tra xây dựng, đăng ký đất đai, địa chính, thủ kho, quản lý thị trường, thuế, hải quan…

Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc chuyển đổi này góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân trong giải quyết công việc. Sắp tới, TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thực hiện biện pháp này trong công tác cải cách hành chính để gia tăng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh hơn; tạo sự tin yêu và hài lòng của người dân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính.

Chú thích ảnh
Các quận, huyện, sở ngành TP Hồ Chí Minh đang tích cực thực hiện cải cách hành chính để tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: CTV

Theo thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, năm 2019, thành phố thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của 2.209 trường hợp. Cũng qua công tác kiểm tra, chuyển đổi đã phát hiện 7 trường hợp có hành vi tham nhũng ở 3 đơn vị. Theo đó, tại UBND Quận 1 có 3 trường hợp cộng tác viên Trật tự đô thị thuộc UBND phường Bến Thành có hành vi nhũng nhiễu và 1 trường hợp là ông Phan Hồ Hưng Đoàn, cán bộ phụ trách kinh tế Phường có hành vi nhận hối lộ. Tại quận Bình Tân có 2 trường hợp là nhân viên kế toán và Trưởng phòng Tài chính kiêm Kế toán trưởng Bệnh viện Bình Tân tham ô 157 triệu đồng. Gần đây, đoàn kiểm tra Sở Y tế Thành phố phát hiện một nhân viên xét nghiệm của Bệnh viên Nhi đồng 2 có hành vi lấy trộm vật tư đem bán thu lợi bất chính với giá trị hơn 370 triệu đồng…

Cũng theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chuyển đổi vị trí làm việc của cán bộ, công viên chức... mà còn tăng trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng.

"Khi thực hiện công việc cải cách hành chính, trước hết UBND thành phố sẽ nắm rõ trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo đơn vị, sở ngành. Nếu có xảy ra những vi phạm về cải cách hành chính, thành phố sẽ xử lý nghiêm đối với những người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm hoặc có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái đối với người dân. Sắp tới, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp...", ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết.

"Thành phố sẽ thường xuyên theo dõi sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và có giải pháp khắc phục hạn chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi; đồng thời sẽ xử lý nghiêm cơ quan, cán bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân", ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
Thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Theo đó, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là thành viên Ban Chỉ đạo thay Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được phân công công tác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN