Hướng tới chuẩn mực nền hành chính công vụ
Giao lưu trực tuyến "Văn hóa công sở - thực trạng và giải pháp", do báo Điện tử Đảng Cộng sản tổ chức, đã diễn ra ngày 27/11.
Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 733/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở” giai đoạn 2019 - 2025 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính… góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì nhân dân phục vụ.
Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Văn hóa công vụ được cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể là một hệ thống các giá trị tinh thần và vật chất (gồm văn hóa giao tiếp, ứng xử, tinh thần, thái độ làm việc, trang phục, lễ phục, xây dựng môi trường công sở…) được hình thành trong quá trình thực thi công vụ; quyết định thái độ, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức và kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Nếu thực hiện tốt văn hóa công vụ, sẽ là chuẩn mực của một nền hành chính công vụ và có ảnh hưởng tốt đến toàn xã hội. Vì vậy, văn hóa công vụ phải hướng tới xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
Gần đây, Đề án Văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành, trong những giải pháp nêu ra, có giải pháp cần phải hoàn thiện các quy định về đánh giá công chức, viên chức, đánh giá hay xem xét người thực thi công vụ trong cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên cũng cần phải có đánh giá những hành vi, ứng xử ngoài xã hội. Trong Luật Cán bộ, công chức, từ những năm 2008 - 2010 đều có quy định cụ thể về việc đánh giá cán bộ, công chức. Nghị định 56 của Chính phủ ban hành các quy định đánh giá công chức, viên chức. Ngày 25/11/2019, sau nhiều lần thảo luận và góp ý, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Hiện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có Quyết định 319/QĐ-BNV ngày 18/4/2019 triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án văn hóa công vụ; trong đó, có các nội dung cụ thể tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.
Thay đổi tác phong phục vụ nhân dân
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ LĐVN) cho rằng: Việc chấp hành các quy định của pháp luật, các nội quy, quy chế chính là những tiêu chí hàng đầu của văn hóa công sở. Việc chấp hành các quy định là căn cốt của văn hoá công sở, còn hiệu quả công việc là mục tiêu cuối cùng, mục đích cuối cùng của văn hóa công sở. Việc chúng ta coi đó là những tiêu chí hàng đầu dễ nhận được sự đồng tình và đó cũng là định hướng cho việc triển khai văn hoá công sở.
Hà Nội đã có ban hành Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội quy định chi tiết về ứng xử tại nơi làm việc từ giao tiếp, những việc không được làm; gương mẫu, tránh phô trương, lãng phí, mục đích trục lợi trong việc tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, tang lễ, mừng thọ, sinh nhật, tân gia...
Ngày 24/7/2019, TLĐ LĐVN đã tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động cán bộ, công chức nói không với tiêu cực. “Qua theo dõi đánh giá, chúng tôi thấy Cuộc vận động đã đi vào đời sống, làm thay đổi tinh thần làm việc, tác phong phục vụ nhân dân, hình thành tác phong công nghiệp, tạo nên bước dịch chuyển quan trọng. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, với sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo, sự giám sát tích cực của tổ chức công đoàn, cùng với lòng tự trọng của từng cán bộ, công chức, viên chức thì cuộc vận động này sẽ đi vào đời sống, làm cho hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức thuyết phục hơn, đẹp hơn trong con mắt của doanh nghiệp và người dân”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng: Văn hoá công sở có được thực thi hay không và có hiệu quả trên thực tế hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, thái độ trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động trong mỗi cơ quan. Trong thời gian vừa qua, cũng xuất hiện những hành vi lệch chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ đối với nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức… Một trong những hành vi đó là thái độ hách dịch, cửa quyền, không đúng với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ trong quá trình tiếp dân. "Tôi cho rằng nếu như những hành vi đó mà vẫn tiếp tục tồn tại thì rõ ràng chúng ta không thể thực hiện được nền văn hoá công sở", bà Ninh Thị Thu Hương cho biết.
Vì vậy, trong thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa những quy tắc về việc tiếp đón, giải quyết khiếu nại cũng như những quy định về thời gian, địa điểm… tiếp công dân.
“Trong thời gian gần đây, rất nhiều cán bộ thực hiện những nhiệm vụ có hành vi lệch chuẩn đã được các cơ quan đó áp dụng những biện pháp, hình thức tương ứng trong bình xét thi đua, bình bầu, thậm chí có những đơn vị kỷ luật trong cơ quan khi xuất hiện những hành vi lệch chuẩn đó. Mặc dù chúng ta thấy rằng trong thời gian gần đây, việc đó cũng đã được cải thiện rất nhiều và văn hoá công sở đã được gần như quán triệt, thực hiện rộng khắp và bước đầu có những hiệu quả nhất định. Để khắc phục những hành vi lệch chuẩn để xây dựng được văn hoá công sở theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra thì trách nhiệm của những người cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm của những người trong quá trình tiếp dân phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa và phải áp dụng xử lý một cách rõ ràng đối với hành vi của cán bộ, công chức. Và chỉ có như vậy, khi những hành vi lệch chuẩn, trong đó có hành vi cửa quyền ở một bộ phận cán bộ, công chức được khắc phục thì chúng ta mới hướng tới một văn hoá công sở theo đúng nghĩa”, bà Ninh Thị Thu Hương nhận xét.