Sáng tạo và thân thiện với người dân
Thành phố có nhiều cách làm hay, mới trong cải cách hành chính, được người dân và doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định thống nhất trên toàn địa bàn việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã được giao cung ứng dịch vụ công ích. Bên cạnh đó, thành phố triển khai thực hiện Quy định đánh giá và xếp loại hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố; qua đó phân định được năng lực cũng như loại dần ra khỏi bộ máy những cán bộ có thái độ hách dịch, cửa quyền, tiêu cực khi tiếp xúc với người dân.
Một số đơn vị, địa phương có cách làm hay, mô hình mới sáng tạo nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp như: Tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công tại một số tổ dân phố, mô hình khu dân cư điện tử tại các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông...; tổ chức cuộc thi tìm hiểu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho học sinh khối trung học cơ sở, qua đó tuyên truyền tới gia đình, cộng đồng dân cư, tạo tiền đề xây dựng "Công dân điện tử" và "Thành phố thông minh"; triển khai cấp Căn cước công, cấp đăng ký mô tô điện, xe máy điện tại các trường học, khu đô thị, khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân...
Ngoài việc đẩy mạnh sắp xếp lại các phòng, ban, bộ phận chức năng, Hà Nội tập trung rà soát, tinh giản biên chế. Từ đầu năm đến ngày 20/11/2019, thành phố đã thực hiện 7 đợt tinh giản biên chế với 240 trường hợp, trong đó có 219 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, 21 trường hợp cho thôi việc ngay. UBND thành phố cũng xây dựng Kế hoạch thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố Hà Nội để xem xét, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Triển khai chủ đề công tác năm 2019 "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", UBND thành phố xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2019 và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra 15 cơ quan, đơn vị; thành lập đoàn kiểm tra công vụ thực hiện kiểm tra công vụ đột xuất đối với 28 cơ quan, đơn vị; kiểm tra công vụ 4 vụ việc.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND thành phố xem xét giao quyền tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cho các đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên, đảm bảo hoạt động hiệu quả. Thành phố giao quyền tự chủ nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự cho 17 bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên; đồng thời tiếp tục nghiên cứu nhân rộng cho các đơn vị khác nhằm trao quyền chủ động và khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh sang tự chủ chi thường xuyên, giảm biên chế hưởng lương ngân sách.
Hà Nội có tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố là 55.300 người. Thành phố tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tăng cường kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; khuyến khích các xã, phường, thị trấn bố trí kiêm nhiệm chức danh. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố nếu kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm nhằm giảm số người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập cho các cá nhân.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Để tinh gọn được bộ máy quản lý là một việc làm khó đòi hỏi quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị. Thành phố luôn ưu tiên việc nâng cao trình độ, đổi mới tư duy, công nghệ cho đội ngũ quản lý và cán bộ liên quan đến cải cách hành chính. Những năm gần đây, các khâu này được đổi mới, hiệu quả kinh tế-xã hội được nâng lên rất rõ, nhất là tạo môi trường tốt để doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế và cải thiện hình ảnh, môi trường sống cho người dân Thủ đô nên tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước.
Tiếp tục nỗ lực dẫn đầu
Trong năm 2019, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2018. Theo đó, chỉ số cải cách hành chính của thành phố tiếp tục được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, thành phố Hà Nội đánh giá hiện nay các lĩnh vực trên còn nhiều nội dung bất cập, triển khai chậm, chưa kịp thời, chưa đáp ứng theo yêu cầu của Trung ương. Cụ thể chỉ số thành phần về "Tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị" trong Chỉ số hài lòng chung vẫn còn thấp, chỉ đạt 70,7%; trong đó nội dung "Cơ quan thông báo kết quả xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị" đạt dưới 70%; nội dung "Cơ quan tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh kiến nghị tích cực" chỉ đạt 70,29%.
Để tiếp tục nâng cao, duy trì Chỉ số cải cách hành chính và cải thiện Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, đánh giá từng nhiệm vụ, tham mưu, đề xuất giải pháp nhằm khắc phục ngay tồn tại, hạn chế về những nội dung trên. Ngoài ra yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định về tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị và thông tin kịp thời đến cá nhân, tổ chức kết quả giải quyết.
Đối với một số tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt kết quả cao được xác định trong Chỉ số cải cách hành chính năm 2018, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu: Văn phòng UBND thành phố theo dõi, đôn đốc các đơn vị tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, thủ tục hành chính kịp thời, đúng quy định.
Sở Nội vụ rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; kiểm tra việc thực hiện quy định về cơ cấu số lượng lãnh đạo tại các cơ quan hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Sở Tài chính sớm trình UBND thành phố ban hành ngay tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ.
Sở Thông tin và Truyền thông trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND thành phố khẩn trương hoàn thiện, trình thành phố phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử để triển khai trên toàn thành phố; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về ứng dụng công nghệ thông tin (Báo cáo quý, năm), các nhiệm vụ, đề án, kế hoạch phải đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ, chất lượng. Đặc biệt đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị mở rộng hình thức thông tin, tuyên truyền tới người dân về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm nâng cao tỷ lệ giao dịch trên môi trường mạng.
UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; tăng tỷ lệ đạt chuẩn đối với cán bộ cấp xã tại một số chức danh: Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.