Tổng hợp COVID-19 tuần từ 27/9-3/10: Bình thường mới ở TP Hồ Chí Minh; Hà Nội phát hiện chùm ca bệnh ở Bệnh viện Việt Đức

Hà Nội phát hiện 33 ca mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội, “sống chung” với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới; Bộ Y tế lý giải vì sao giá xét nghiệm COVID-19 cao khi giá bán bên ngoài lại thấp… là những tin nổi bật trong tuần từ 27/9-3/10.

Hà Nội phát hiện 33 ca mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Chú thích ảnh
 1h30 ngày 2/10, 4 xe chuyên dụng chở người nghi nhiễm rời Bệnh viện hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến nay đã có 33 ca mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; trong đó, 26 ca mắc tại Hà Nội và 7 ca mắc tại các tỉnh thành khác là Nam Định (3 ca), Hà Tĩnh (2 ca), Hưng Yên (1 ca), Hải Dương (1 ca).

Có 16 trường hợp là người nhà bệnh nhân, 10 trường hợp là bệnh nhân, 5 trường hợp là nhân viên làm việc tại bệnh viện và 1 trường hợp khác lây nhiễm liên quan.

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố xét nghiệm thần tốc, đồng thời đề xuất phương án đưa hơn 1.000 người nhà bệnh nhân đi cách ly tập trung. Đối với nhân viên y tế thực hiện giãn cách, bố trí khách sạn để ăn nghỉ theo nguyên tắc một cung đường hai điểm đến.

Hiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức không tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chỉ nhận cấp cứu.

Trước tình hình phát hiện các ca mắc tăng, ngay trong đêm 1/10, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều chuyến xe chuyên dụng đưa người từ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đi chữa trị, cách ly tập trung nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Sáng 3/10, lực lượng y tế tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho trên 4.000 người liên quan đến các ca dương tính ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gồm nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân hiện ở trong bệnh viện, người dân khu vực xung quanh bệnh viện.

TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị 18 để từng bước hồi phục, phát triển kinh tế

Chiều 1/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành chỉ thị 18 tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ thị này có hiệu lực từ 18 giờ ngày 30/9.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh cho phép 7 nhóm được hoạt động trở lại, trong đó lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ có 9 mục được hoạt động. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; hoạt động chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.

Chú thích ảnh
Người dân TP Hồ Chí Minh đã được phép đi siêu thị sau khi nới lỏng giãn cách.

Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh đã đặt ra 3 mục tiêu. Thứ nhất, tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn thành phố; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.

Thứ hai, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân thành phố.

Thứ ba, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Đối với người dân được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân trong thành phố, không được đi lại liên tỉnh. Khi tham gia lưu thông, người dân sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y Tế HCM" thể hiện lịch sử tiêm vaccine (đến khi ứng dụng PC-COVID hoạt động). Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày.

Ngành công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát chính và 39 chốt kiểm soát phụ tại cửa ngõ giáp ranh. Thành phố sẽ thành lập các đoàn/tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo chỉ thị mới, TP Hồ Chí Minh cho phép 8 nhóm hoạt động trở lại như: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, các cơ quan lãnh sự quán, tổ chức quốc tế; các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược và mỹ phẩm, các hoạt động cơ sở tôn giáo, nghệ thuật, đám cưới... Trong đó, có 13 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh tinh thần "không mở cửa ồ ạt" mà làm có lộ trình.

Sau khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội, các rào chắn đã tháo dỡ, hàng ngàn người dân đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh đã ùn ùn kéo nhau về quê trong đêm đã xảy ra tình trạng ùn ứ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở cửa ngõ phía Tây thành phố.

Chú thích ảnh
Người dân ùn ùn kéo nhau về quê khiến cửa ngõ phía Tây TP Hồ Chí Minh ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Sau nhiều giờ bị kẹt lại tại chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở khu vực giáp ranh với tỉnh Long An, nhiều người dân, trong đó có các em nhỏ đi theo cha mẹ, phải ngủ vạ vật trên đường và bên vỉa hè.

Theo đó, Công an TP Hồ Chí Minh đã giải quyết cho khoảng 1.300 người dân về quê sau khi xảy ra tình trạng ùn ứ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở cửa ngõ phía Tây thành phố.

Trong khi đó, các tỉnh An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang cũng đã tổ chức đón nhận, bố trí đưa người dân về quê đảm bảo an toàn.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 7.401 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 808.578 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.215 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 803.993 ca, trong đó có 688.618 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Lào Cai.

Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (397.513 ca), Bình Dương (215.643 ca), Đồng Nai (50.663 ca), Long An (32.767 ca), Tiền Giang (14.120 ca).

Tổng số ca được điều trị khỏi là 693.797 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.131 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.498 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.715 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 136/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lý giải của Bộ Y tế về việc giá xét nghiệm COVID-19 cao

Theo Bộ Y tế, giá các loại test xét nghiệm khác nhau phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.

Theo Bộ Y tế, những ngày gần đây, trên các báo và mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ánh về giá xét nghiệm COVID-19 đang ở mức cao; vì vậy Bộ Y tế cung cấp một số thông tin về giá xét nghiệm hiện nay. Cụ thể:

Giá xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành như: Giá của các test kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm... Giá các loại test xét nghiệm khác nhau phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua. Đơn cử như các loại test xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, châu Âu, Hoa Kỳ hoặc có xuất xứ từ châu Âu hay từ Hoa Kỳ thường có giá cao hơn mặt bằng chung giá test kit của các nước khác, việc mua test kit vào thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp, căng thẳng ở nhiều nước, thị trường khan hiếm thì giá test kit xét nghiệm thường cao, số lượng mua càng lớn thì giá càng giảm... Vì vậy không thể đánh đồng tất cả các loại test kit với nhau, cũng như không thể so sánh giá test kit xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau và phải phụ thuộc cả vào các yếu tố chất lượng (độ nhạy, độ đặc hiệu), tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm test xét nghiệm trong nước và quốc tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ Y tế đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để điều chỉnh giá xét nghiệm theo hướng ngày càng giảm chi phí xét nghiệm để phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập thực hiện xét nghiệm điều chỉnh giá xét nghiệm theo từng giai đoạn.

Cụ thể, theo Bộ Y tế, ở thời điểm năm 2020 khi dịch bệnh trên thế giới có diễn biến phức tạp ở nhiều nước, nguồn cung và chủng loại các loại test xét nghiệm COVID-19 rất hạn chế, nhu cầu ở thị trường các nước rất lớn khiến cho giá các loại test xét nghiệm còn ở mức cao (test xét nghiệm khoảng 200.000 đồng/test, test Real-time PCR gần 1.000.000 đồng/test), Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu nghiệm, test Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu nghiệm. Mức giá này được áp dụng cho tới trước ngày 1/7/2021, được đề xuất trên cơ sở các quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.

Từ ngày 1/7/2021, đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập test và trong nước cũng đã sản xuất được test xét nghiệm nên dải giá test rất khác nhau, Bộ Y tế đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi, thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.

Bên cạnh đó, với hình thức gộp mẫu nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, cũng như tiết kiệm chi phí, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu, cụ thể: Mức giá của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu. Ví dụ, mức giá việc thực hiện xét nghiệm bằng 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp (nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10...).

Hành khách tiêm 1 mũi vaccine có thể đi lại bằng đường hàng không, đường sắt

Chú thích ảnh
Hành khách tiêm 1 mũi vaccine có thể đi lại bằng đường hàng không, đường sắt... Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế vừa có văn bản góp ý dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại các địa phương nới lỏng biện pháp chống dịch COVID-19. Trong đó nêu rõ, đồng thuận với nội dung dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải của Bộ GTVT.

Đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách, Bộ Y tế đề nghị có kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc và đảm bảo phòng chống dịch theo quy định; bố trí cán bộ/bộ phận y tế để phối hợp kịp thời với y tế địa phương xử lý các tình huống phát sinh tại nơi làm việc.

Đối với phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải (trừ đường hàng không áp dụng theo văn bản riêng), Bộ Y tế đề nghị cho phép hoạt động tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp và trung bình; hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất tại địa phương/vùng có nguy cơ cao và dừng hoạt động tại địa phương/vùng có nguy cơ cao. Phương tiện giao thông công cộng phải được trang bị nước sát khuẩn tay, khẩu trang y tế, phải vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi chuyến đi.

Bên cạnh đó, lái xe, lái tàu phải tuân thủ thông điệp 5K, khai báo y tế khi tham gia phục vụ; xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan. Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần). Tại địa phương/vùng/khu vực có nguy cơ cao, lái xe phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ.

Riêng với hành khách, ngoài việc tuân thủ quy tắc 5K và khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi tham gia giao thông đường hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo và ngược lại).

Đặc biệt, Bộ Y tế khẳng định không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng. Tại các bến xe, bến tàu, nhà ga, địa điểm bán vé, trạm dừng nghỉ... phải xây dựng các phương án đón trả khách ra vào bến, trạm dừng nghỉ theo đúng quy định về phòng chống dịch, điểm khai báo y tế, quét mã QR.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục tăng cường xét nghiệm lọc F0

Mặc dù số ca mắc COVID-19 đã giảm mạnh, nhưng Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố vẫn không được lơ là mà tiếp tục tăng cường công tác xét nghiệm SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: TTXVN

Trong đó, Bộ Y tế chỉ đạo triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao theo hướng dẫn tại Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9/2021, ưu tiên sử dụng xét nghiệm test kháng nguyên nhanh; tại khu vực nguy cơ thực hiện xét nghiệm định kỳ 5-7 ngày/1 lần; tại vùng bình thường mới thực hiện xét nghiệm khi cơ quan, đơn vị, người dân có nhu cầu hoặc theo đánh giá nguy cơ của cơ quan y tế. Khuyến khích cơ quan, đơn vị, người dân thực hiện tự lấy mẫu và xét nghiệm test kháng nguyên nhanh (Công văn số 8259/BYT-DP ngày 01/10/2021 của Bộ Y tế).

Bộ Y tế cũng đã cấp phép lưu hành cho 97 loại test COVID-19, trong đó 35 loại bằng phương pháp PCR, 39 loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, phục vụ doanh nghiệp và địa phương.

Bộ Y tế yêu cầu cập nhật giá công khai hàng tuần, tạo điều kiện cho đơn vị đăng ký và cạnh tranh lành mạnh. Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản đề nghị xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch COVID-19.

Ca sĩ Phi Nhung qua đời vì mắc COVID-19

Theo đại diện của ca sĩ Phi Nhung, dù đã được các bác sĩ dùng mọi biện pháp chữa trị, bao gồm cả can thiệp ECMO, nhưng bệnh tình của ca sĩ lúc chuyển biến tích cực, lúc chuyển biến xấu. Và đến ngày 28/9, ca sĩ đã qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy do biến chứng COVID-19, hoại tử một phần phổi, bão cytokine và suy đa tạng.

Trước đó, hồi tháng 7 ca sĩ Phi Nhung hoãn kế hoạch quay về Mỹ đoàn tụ con gái vì muốn tiếp tục ở lại TP Hồ Chí Minh hoạt động thiện nguyện trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Ca sĩ Phi Nhung tên đầy đủ là Phạm Phi Nhung (10/4/1972 – 28/9/2021), là một nữ ca sĩ hải ngoại, diễn viên người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình, dân ca. Chị sinh ra tại Pleiku, Việt Nam, có cha là người Mỹ và mẹ là người Việt.

Gia đình cố ca sĩ Phi Nhung cho biết, lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức tại Tu viện Khánh An vào ngày mai (4/10). Do trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, khách đến viếng sẽ phải thực hiện một số quy định theo yêu cầu của ban tổ chức đưa ra.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 2/10: Số ca nhiễm mới giảm mạnh; TP Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân về quê
Tổng hợp COVID-19 ngày 2/10: Số ca nhiễm mới giảm mạnh; TP Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân về quê

Ngày 2/10, Việt Nam ghi nhận 5.490 ca nhiễm mới SARS-CoV-2. Đây là con số thấp nhất trong hơn 1 tháng qua, trong đó TP Hồ Chí Minh và Bình Dương là 2 địa phương có số ca nhiễm giảm mạnh. Điều này cho thấy, dịch COVID-19 trên cả nước đang kiểm soát tốt. Theo đó, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác đang phối hợp từng bước hỗ trợ người dân về quê, đồng thời lên kế hoạch phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN