Tổng hợp COVID-19 ngày 29/9: Giá xét nghiệm COVID-19 cao vì nhiều lý do; người có 'thẻ vàng' có thể đi máy bay, tàu hoả

Bộ Y tế lý giải vì sao giá xét nghiệm COVID-19 cao khi giá bán bên ngoài lại thấp; hành khách đã tiêm 1 mũi vaccine có thể đi lại bằng đường hàng không, đường sắt; bổ sung kinh phí mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19; từ 1/10, Đồng Nai mở cửa ấp, khu phố "xanh"… là những tin nổi bật trong ngày 29/9.

Ngày 29/9, Việt Nam ghi nhận 8.758 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 23.568 bệnh nhân khỏi bệnh

Ngày 29/9, Việt Nam ghi nhận 8.758 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong ngày có 23.568 bệnh nhân khỏi bệnh, 162 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: TTXVN

Tính từ 17 giờ ngày 28/9 đến 17 giờ ngày 29/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.758 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 8.744 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.161 ca so với ngày trước đó) tại 33 tỉnh, thành phố (có 4.984 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh gồm: TP Hồ Chí Minh (4.699 ca), Bình Dương (2.389 ca), Đồng Nai (899 ca), Long An (132 ca), Sóc Trăng (112 ca), Kiên Giang (82 ca), Tiền Giang (68 ca), An Giang (63 ca), Cần Thơ (42 ca), Hà Nam (36 ca), Khánh Hòa (32 ca), Bình Thuận (29 ca), Tây Ninh (23 ca), Bạc Liêu (22 ca), Quảng Trị (16 ca), Đắk Lắk (15 ca), Ninh Thuận (14 ca), Quảng Bình (13 ca), Cà Mau (12 ca), Bình Định (11 ca), Vĩnh Long (7 ca), Gia Lai (5 ca), Hà Nội (4 ca), Đắk Nông (3 ca), Bến Tre (3 ca), Trà Vinh (3 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 ca), Phú Yên (2 ca), Quảng Ngãi (2 ca), Phú Thọ (1 ca), Đồng Tháp (1 ca), Đà Nẵng (1 ca), Hải Dương (1 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bình Dương (giảm 186 ca), An Giang (giảm 169 ca), Tây Ninh (giảm 32 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (4.322 ca), Đồng Nai (112 ca), Sóc Trăng (112 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 8.622 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 779.398 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.919 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 774.854 ca, trong đó có 578.330 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 13 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn.

Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (384.287), Bình Dương (208.953), Đồng Nai (47.969), Long An (32.343), Tiền Giang (13.951).

Trong ngày 29/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 23.568 ca.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 583.509 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.988 ca.

Trong ngày, ghi nhận 162 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (113 ca), Bình Dương (33 ca), Đồng Nai (3 ca), An Giang (3 ca), Kiên Giang (2 ca), Long An (2 ca), Đồng Tháp (2 ca), Cần Thơ (1 ca), Cà Mau (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca), Tiền Giang (1 ca).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.098 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

Lý giải của Bộ Y tế về việc giá xét nghiệm COVID-19 cao

Theo Bộ Y tế, giá các loại test xét nghiệm khác nhau phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.

Theo Bộ Y tế, những ngày gần đây, trên các báo và mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ánh về giá xét nghiệm COVID-19 đang ở mức cao; vì vậy Bộ Y tế cung cấp một số thông tin về giá xét nghiệm hiện nay. Cụ thể:

Giá xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành như: Giá của các test kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm... Giá các loại test xét nghiệm khác nhau phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua. Đơn cử như các loại test xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, châu Âu, Hoa Kỳ hoặc có xuất xứ từ châu Âu hay từ Hoa Kỳ thường có giá cao hơn mặt bằng chung giá test kit của các nước khác, việc mua test kit vào thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp, căng thẳng ở nhiều nước, thị trường khan hiếm thì giá test kit xét nghiệm thường cao, số lượng mua càng lớn thì giá càng giảm... Vì vậy không thể đánh đồng tất cả các loại test kit với nhau, cũng như không thể so sánh giá test kit xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau và phải phụ thuộc cả vào các yếu tố chất lượng (độ nhạy, độ đặc hiệu), tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm test xét nghiệm trong nước và quốc tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ Y tế đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để điều chỉnh giá xét nghiệm theo hướng ngày càng giảm chi phí xét nghiệm để phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập thực hiện xét nghiệm điều chỉnh giá xét nghiệm theo từng giai đoạn.

Cụ thể, theo Bộ Y tế, ở thời điểm năm 2020 khi dịch bệnh trên thế giới có diễn biến phức tạp ở nhiều nước, nguồn cung và chủng loại các loại test xét nghiệm COVID-19 rất hạn chế, nhu cầu ở thị trường các nước rất lớn khiến cho giá các loại test xét nghiệm còn ở mức cao (test xét nghiệm khoảng 200.000 đồng/test, test Real-time PCR gần 1.000.000 đồng/test), Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu nghiệm, test Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu nghiệm. Mức giá này được áp dụng cho tới trước ngày 1/7/2021, được đề xuất trên cơ sở các quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.

Từ ngày 1/7/2021, đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập test và trong nước cũng đã sản xuất được test xét nghiệm nên dải giá test rất khác nhau, Bộ Y tế đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi, thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.

Bên cạnh đó, với hình thức gộp mẫu nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, cũng như tiết kiệm chi phí, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu, cụ thể: Mức giá của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu. Ví dụ, mức giá việc thực hiện xét nghiệm bằng 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp (nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10...).

Hành khách tiêm 1 mũi vaccine có thể đi lại bằng đường hàng không, đường sắt

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế vừa có văn bản góp ý dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại các địa phương nới lỏng biện pháp chống dịch COVID-19. Trong đó nêu rõ, đồng thuận với nội dung dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải của Bộ GTVT.

Chú thích ảnh
Người dân lên tàu về quê trong mùa dịch tại Ga Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách, Bộ Y tế đề nghị có kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc và đảm bảo phòng chống dịch theo quy định; bố trí cán bộ/bộ phận y tế để phối hợp kịp thời với y tế địa phương xử lý các tình huống phát sinh tại nơi làm việc.

Đối với phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải (trừ đường hàng không áp dụng theo văn bản riêng), Bộ Y tế đề nghị cho phép hoạt động tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp và trung bình; hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất tại địa phương/vùng có nguy cơ cao và dừng hoạt động tại địa phương/vùng có nguy cơ cao. Phương tiện giao thông công cộng phải được trang bị nước sát khuẩn tay, khẩu trang y tế, phải vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi chuyến đi.

Bên cạnh đó, lái xe, lái tàu phải tuân thủ thông điệp 5K, khai báo y tế khi tham gia phục vụ; xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan. Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần). Tại địa phương/vùng/khu vực có nguy cơ cao, lái xe phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ.

Riêng với hành khách, ngoài việc tuân thủ quy tắc 5K và khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi tham gia giao thông đường hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo và ngược lại).

Đặc biệt, Bộ Y tế khẳng định không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng. Tại các bến xe, bến tàu, nhà ga, địa điểm bán vé, trạm dừng nghỉ... phải xây dựng các phương án đón trả khách ra vào bến, trạm dừng nghỉ theo đúng quy định về phòng chống dịch, điểm khai báo y tế, quét mã QR.

Bổ sung kinh phí mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Ngày 29/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1639/QĐ-TTg bổ sung kinh phí mua và tiếp nhận 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.

Quyết định nêu rõ: Bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và tiếp nhận 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo.

Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc sử dụng số kinh phí nêu trên theo quy định.

Từ 1/10, Đồng Nai mở cửa ấp, khu phố 'xanh'

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai ngày 29/9, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: Từ ngày 1/10, tỉnh sẽ điều chỉnh kế hoạch theo hướng nới lỏng phường, xã “xanh” sang nới lỏng ấp, khu phố “xanh”.

Việc mở cửa khu phố, ấp “xanh” được các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Nai đồng tình, ủng hộ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, khoảng 1 tuần qua, Đồng Nai đã chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa ấp, khu phố “xanh”. Ủy ban nhân dân tỉnh cần chuẩn bị văn bản chỉ đạo các địa phương mở cửa ấp, khu phố “xanh” từ 1/10 tới. Các địa phương lên phương án điều chỉnh mở các phường, xã “xanh” trước đây thành kế hoạch mở ấp, khu phố “xanh”; đồng thời đề ra kế hoạch quản lý xã hội tại các ấp, khu phố “xanh”.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Để ngăn dịch bệnh lây lan, tới đây, Đồng Nai tiếp tục quản lý chặt những ấp, khu phố "đỏ, cam, vàng". Còn ấp, khu phố “xanh”, người dân được đi làm, sinh hoạt bình thường ở một số lĩnh vực; không tụ tập quá 10 hoặc 20 người theo từng cấp độ.

Hiện Đồng Nai đang thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại nhiều khu vực. Quá trình triển khai, các địa phương cần vận động, thuyết phục người dân chủ động hợp tác, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong phòng, chống dịch. Trường hợp người dân vì lý do nào đó mà không đến xét nghiệm tại địa điểm cố định, ngành chức năng có thể cử nhân viên y tế trực tiếp vào nhà test cho dân.

Cũng tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định chủ trương của Đồng Nai là trao quyền chủ động cho doanh nghiệp. Lãnh đạo các doanh nghiệp có quyền quyết định việc mở lại hoạt động sản xuất kinh doanh; nếu hoạt động lại, doanh nghiệp phải đề ra kế hoạch sản xuất an toàn. Cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp các kiến thức dịch tễ và cách ly, điều trị (trường hợp dịch xảy ra).

Theo các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, đến nay, số người được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ trên địa bàn Đồng Nai còn ít, các địa phương cần tăng cường rà soát, mở rộng đối tượng, giúp người khó khăn tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Chống dịch là việc cấp bách, rất cần người dân hợp tác, tránh để sót F0

Ngày 29/9, lãnh đạo thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương) cùng Bí thư Đảng ủy và lãnh đạo UBND phường Vĩnh Phú (thành phố Thuận An) đã có buổi gặp gỡ, xin lỗi công khai trường hợp vừa bị cưỡng chế lấy mẫu xét nghiệm là chị H.T.P.L (sinh năm 1983, ngụ tại căn hộ tầng trệt thuộc chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú).

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi hòa giải giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với người dân bị cưỡng chế test COVID-19, ngày 29/9. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN

Ông Võ Thanh Quan, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú cho biết, ông rất lấy làm tiếc và xin lỗi vì đã hành xử nóng vội và chọn biện pháp nghiêm khắc nhất là cưỡng chế thay vì xử phạt hành chính. Ông Quan cho rằng, vì lo ngại bỏ sót ca dương tính trên cộng đồng do ở tòa chung cư đang có 2 ca dương tính SARS-CoV-2, phường đã gửi thư mời nhiều lần tới chị L. và do nóng lòng nên mới thực hiện như vậy.

Ngoài ra, trường hợp tự test nhanh COVID-19 của chị L không chứng minh được có đảm bảo đúng quy trình y tế không. Theo Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú, phường không muốn cưỡng chế bất kỳ người dân nào. Việc lấy mẫu chỉ mất vài phút là xong nên rất cần người dân hợp tác. Trong khi đó, việc phòng, chống dịch rất cấp bách, nếu chờ quyết định cưỡng chế sẽ thời gian rất lâu.

Trước đó, phường Vĩnh Phú thực hiện test diện rộng toàn địa bàn, tránh để sót F0 trong cộng đồng với mục tiêu lấy mẫu đạt 98 - 100% dân số khu vực được test để công bố xanh hóa các khu vực. Thời điểm tổ lấy mẫu đang làm việc tại chung cư Ehome 4, ông Quan cùng đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, nhận được tin báo từ Ban Quản lý chung cư Ehome 4 về trường hợp một phụ nữ không chấp hành nên đã nhanh chóng đến giải quyết vụ việc.

Khi đoàn tới nơi, chị H.T.P.L được vận động, mời ra ngoài lấy mẫu nhiều lần nhưng không chịu hợp tác nên Đoàn công tác đã nhờ một thợ mở khóa đến mở cửa rồi đưa người này ra ngoài test. Rất may là chị L có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Sau đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm quy định về phòng, chống dịch và lắp đặt lại khóa cửa phòng.

Sau đó, trên mạng xã hội đăng tải clip cán bộ phường phá khóa căn hộ, cưỡng chế một phụ nữ ra khu vực sân chung cư lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Thời điểm đó khu vực lấy mẫu khá vắng, không còn nhiều người dân chờ lấy mẫu.

Người già, trẻ em phường Thanh Xuân Trung trở về nhà sáng 29/9

Chú thích ảnh
Người dân được đưa trở về nhà sau hơn 1 tháng bị phong toả. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Sáng 29/9, những chuyến xe đầu tiên từ 2 khu cách ly tập trung là ký túc xá Đại học FPT và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa người dân phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trở về nhà sau hơn 1 tháng nơi đây bị phong toả.

8 giờ ngày 29/9, những chiếc xe buýt đầu tiên đưa người đi cách ly trở về nhà tại hai ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ngõ 328 và 330 đã từng ghi nhận khoảng 600 F0 và là điểm lây nhiễm lớn nhất Thủ đô trong đợt dịch lần thứ 4.

Trên xe buýt, có nhiều trẻ em và người già, tất cả đều mặc đồ bảo hộ. Người dân phấn khởi vui mừng vì được trở về nhà sau hơn 1 tháng cách ly tập trung để phòng dịch COVID-19.

 

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 28/9: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra 'vùng đỏ' Bình Dương; ca nhiễm mới giảm hơn 50%
Tổng hợp COVID-19 ngày 28/9: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra 'vùng đỏ' Bình Dương; ca nhiễm mới giảm hơn 50%

Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 28/9 thu hút dư luận quan tâm gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra các khu nhà trọ công nhân ở Bình Dương; Việt Nam ghi nhận 4.589 ca nhiễm mới, giảm hơn 50% so với hôm trước; giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với người thuê bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hai bệnh viện đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh trở về công năng khám chữa bệnh thông thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN