Số ca mắc COVID-19 trên cả nước vượt trên 10.000 ca mỗi ngày
Liên tục những ngày trong tuần vừa qua, tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã vượt 5 con số, vượt trên 10.000 ca/ngày. Chẳng hạn như ngày 19/8 cả nước ghi nhận 10.654 ca nhiễm mới, ngày 20/8 ghi nhận 10.657 ca, ngày 21/8 ghi nhận 11.321 ca và hôm nay (22/8) ghi nhận 11.214 ca nhiễm mới SARS-CoV-2.
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, Việt Nam có 348.059 ca nhiễm, đứng thứ 68/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.540 ca nhiễm).
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay). số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 343.972 ca, trong đó có 144.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái, Hà Giang.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình.
Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là: TP Hồ Chí Minh (175.994 ca), Bình Dương (70.242 ca), Long An (17.805 ca), Đồng Nai (17.688 ca), Tiền Giang (7.284 ca).
Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 147.667 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 687 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 24 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 22/8 là 8.277 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Từ 0 giờ ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”
UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện việc "ai ở đâu ở yên đó" kể từ 0 giờ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trước ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch” kể từ 0 giờ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9.
Vì vậy, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện việc "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly nhà; tổ dân phố, tổ nhân dân cách ly tổ dân phố, tổ nhân dân; khu phố, ấp cách ly khu phố, ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn; thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao ("vùng cam”, “vùng đỏ”) để tham gia công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội, duy trì các Tổ tự quản bảo vệ "vùng xanh", đi chợ thay cho người dân…
TP Hồ Chí Minh dồn lực kiểm soát dịch trong những ngày tới
Từ ngày 22/8 đến ngày 6/9, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung đồng bộ các giải pháp, từ y tế cho đến an sinh xã hội. Cả hệ thống chính trị Thành phố đang dồn sức, dồn lực để kiểm soát, khống chế và hạn chế tối đa tử vong do dịch COVID-19 gây ra.
Thành phố sẽ thực hiện nghiêm “nhà cách ly nhà; tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân; khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn”. Trong ngày 22/8, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Nội vụ, Công an Thành phố, Bộ đội Biên phòng Thành phố tham mưu Kế hoạch thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn có nguy cơ cao (vùng cam) và rất cao (vùng đỏ).
Sở Y tế phối hợp với Sở Tư Thành phố hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức ra quyết định về việc tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh đối với các phường, xã, thị trấn có “vùng cam”, “vùng đỏ”.
Cũng trong ngày 22/8, Thành phố áp dụng các phương thức làm việc theo hướng cán bộ, công chức, người lao động của các cơ quan nhà nước làm việc tại nhà; riêng lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch và giải quyết các công việc khẩn cấp có thể áp dụng “3 tại chỗ” hoặc theo phân công luân phiên. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn thực hiện việc bố trí để người dân đi chợ 1 lần/tuần đối với “vùng xanh” (vùng an toàn). Đáng chú ý, bắt đầu từ ngày 23/8 - 6/9, Thành phố sẽ tiến hành các chốt kiểm tra, lực lượng tuần tra để kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm.
Đối với các giải pháp y tế, trong ngày 22/8, Trung tâm điều phối xét nghiệm TP Hồ Chí Minh bổ sung vào Kế hoạch xét nghiệm một số đối tượng sau: Nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc tây, nhân viên Công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác, lực lượng trực các chốt, lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch, nhân viên tại các cửa hàng xăng dầu theo định kỳ 7 ngày/lần.
Đối với công tác tiêm chủng, Thành phố tổ chức tiêm vaccine ở “vùng đỏ” và “vùng cam”, đội tiêm vaccine di động đến tận nhà dân để tiêm, tổ chức đội tiêm ở địa điểm phù hợp, bên trong hoặc sát khu phong tỏa, mời bà con từng hộ gia đình. Tại khu chung cư sẽ tổ chức điểm tiêm, phối hợp với Ban quản lý chung cư, mời tuần tự các hộ cùng tầng ra tiêm, có thể tổ chức vào buổi tối.
Đối với điều trị F0 tại nhà, trong ngày 22/8 triển khai các trạm y tế lưu động, tiếp nối các trạm y tế lưu động đã được thành lập vào ngày 20/8 trước đó. Thành phố chia làm 2 giai đoạn thành lập các trạm y tế lưu động, trong đó giai đoạn 1 thành lập 135 trạm y tế của các quận, huyện gồm: Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, Nhà Bè, Tân Bình, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức để đi vào hoạt động trước ngày 24/8.
Từ ngày 22/8 - 25/8, Thành phố bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện, nước). Trước mắt triển khai 500.000 túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn. Còn từ ngày 24/8 - 6/9 sẽ triển khai thêm 1,5 triệu túi an sinh.
Tăng cường lực lượng quân y giúp các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch COVID-19
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngày 20/8, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng có công điện hỏa tốc về việc tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam.
Theo đó, Cục Quân y đề nghị Học viện Quân y huy động 300 bác sỹ và học viên đại học tăng cường cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam, trong đó có 120 bác sỹ là học viên đang đào tạo sau đại học thuộc các đơn vị của Học viện; 180 học viên đại học từ năm thứ hai trở lên. Số bác sỹ, học viên trên chia thành các tổ, mỗi tổ 5 người gồm 2 bác sỹ và 3 học viên, sẵn sàng lên đường ngay khi có lệnh. Học viện Quân y lập danh sách chia tổ cụ thể và báo cáo về Cục Quân y và danh sách toàn bộ lực lượng tăng cường báo cáo về Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần).
Lực lượng tăng cường này sẽ có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường, quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao. Học viện Quân y có nhiệm vụ tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ theo nhiệm vụ cho số bác sỹ, học viên trên.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng chủ trương tiếp tục thành lập các bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân trên địa bàn này. Nhằm kịp thời cơ động lực lượng cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị đến các địa bàn có dịch, cùng ngày, Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) đã có văn bản về việc vận chuyển lực lượng cán bộ, nhân viên y tế chi viện phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, từ 21 - 23/8, dự kiến sẽ có thêm 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không (từ sân bay Nội Bài vào sân bay Tân Sơn Nhất). Tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong vùng dịch, trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần, Quân khu 7 và Quân khu 9 triển khai thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn phía Nam. Theo Cục Quân y, tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng quân y tham gia chống dịch hiện có khoảng trên 2.000 cán bộ, y bác sỹ, nhân viên...
Sư đoàn 5 - Quân khu 7 xuất quân hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch
Ngày 22/8, Sư đoàn 5 - Quân khu 7 (đóng quân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh) đã phân công gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ đến TP Hồ Chí Minh để giúp địa phương này phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Đại tá Nguyễn Trọng Thái, Phó Sư đoàn trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Sư đoàn 5, để kịp thời hỗ trợ quân và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho các lực lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Sư đoàn 5 đã chủ động mọi nguồn lực, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chuẩn bị được hàng tấn thịt, cá, rau, củ, quả các loại; hơn 17.000 hộp thịt hộp, hàng trăm nghìn chai nước uống, kính chống giọt bắn, buồng khử khuẩn... để mang theo tham gia phòng, chống dịch.
Thời gian qua, Sư đoàn 5 đã thực hiện tốt phương châm "3 sẵn sàng, 4 tại chỗ"; tổ chức phát động thi đua trong toàn Sư đoàn với 100% cán bộ, chiến sĩ đăng ký quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, phát huy dân chủ, trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ để sáng chế ra dụng cụ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Sau lễ xuất quân, gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 sẽ được phân bổ về các Quận 6, 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè.... của TP Hồ Chí Minh để cùng các địa phương phòng, chống dịch.
Trước đó, Sư đoàn 5 cũng đã cử 500 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân tỉnh Bình Dương; 300 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân tỉnh Tây Ninh; 12 y, bác sỹ hỗ trợ nhân dân tỉnh Long An phòng, chống dịch COVID-19.
Hỗ trợ nhân lực y tế cho các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch COVID-19
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn vừa ký Công văn số 5766/VPCP-KGVX về việc hỗ trợ nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Trước tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đang diễn biến rất phức tạp. Để hỗ trợ các địa phương này nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động nhân lực y tế (bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên) tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Nội dung công văn nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách, thời gian rất khẩn trương; đồng thời đề nghị gửi danh sách cán bộ y tế về Bộ Y tế trước 14h00 ngày 21/8/2021 để tổ chức điều phối hỗ trợ cho các địa phương.
Thành uỷ Hà Nội đồng ý chủ trương tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 6/9
Chiều 20/8, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Thông tin từ cuộc họp: Thành uỷ Hà Nội đồng ý chủ trương tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 6/9/2021 trên toàn thành phố.
Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao mô hình "vùng xanh", huy động được lực lượng rất lớn nhân dân tham gia. Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nguy cơ vẫn rất cao. Vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận vẫn diễn biến phức tạp; một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố: Tiếp tục giãn cách sau ngày 23/8 đến 6 giờ ngày 6/9/2021. Giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố ban hành Công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND Thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vaccine; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông.
"Việc này Thành phố đã giao Công an Thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở chỉ huy phòng, chống dịch của Thành phố về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa", ông Nguyễn Văn Phong nêu rõ.
TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ 10 nhóm đối tượng ngoài Nghị quyết 68 của Chính phủ. Chính sách này được người dân hết sức hoan nghênh. Đáng chú ý, Thành phố đã có chủ trương sau khi dịch bệnh giảm đi, Thành phố sẽ dùng 500 tỷ đồng từ vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp vay hỗ trợ giải quyết việc làm.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Phong, Thành phố cũng triển khai hỗ trợ một số nước bạn trong phòng, chống dịch; hỗ trợ bằng tiền mặt, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam. Hà Nội cũng cảm ơn sự hỗ trợ của các tỉnh, thành bạn, đã chia sẻ một phần khó khăn đối với Hà Nội trong thời gian qua.
Chuyển 200 máy thở chức năng cao vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam
Ngày 20/8, Bộ Y tế đã tiếp nhận 200 máy thở chức năng cao do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngay trong ngày, 200 máy thở này sẽ được chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để phục vụ công tác điều trị. Thay mặt ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trân trọng cảm ơn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có nhiều hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng chống dịch.
Do đặc thù của đợt dịch COVID-19 thứ 4, Bộ Y tế đã tiến hành phân tầng điều trị theo 3 tầng. Tầng 1 là chăm sóc, điều trị và quản lý F0 có điều kiện tại nhà và tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Tầng 2, các địa phương đã và đang mở rộng quy mô giường bệnh để người bệnh có thêm giường điều trị. Tầng 3 là tầng điều trị cao nhất, dành cho bệnh nhân nặng, rất nặng cần đến máy thở nhiều.
Ở tầng điều trị này, Bộ Y tế lập 1 Bệnh viện hồi sức COVID-19 ( hiện công suất 1.000 giường đã lấp đầy) và 4 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quy mô 500 giường một trung tâm do 4 Bệnh viện tuyến trung ương (Bệnh viện Việt Đức; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh) vận hành, chịu trách nhiệm về chuyên môn. Tại các trung tâm này, hầu như đều là bệnh nhân nặng, rất nặng, do đó hồi sức cho bệnh nhân rất quan trọng.
Với số lượng ca bệnh tăng nhanh chóng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam phải tập trung cao độ cho công tác điều trị. Để đồng hành và hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ Y tế đã huy động lực lượng lớn khoảng hơn 13.000 cán bộ y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19; đồng thời chuyển đến nhiều trang thiết bị phục vụ điều trị.
Bộ Y tế đã trao đổi và thống nhất thiết lập mô hình trạm y tế lưu động tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với 2 nhiệm vụ là chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân trên địa bàn và thăm khám, tổ chức sơ cứu các trường hợp bệnh ngoài COVID-19, kết nối, chuyển tuyến; tổ chức điều trị, chăm sóc các ca F0.
Về vấn đề máy thở cho người bệnh, Bộ Y tế phối hợp với nhiều bộ, ngành tiến hành đàm phán để mua nhưng cũng gặp khó khăn vì tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới. Do đó việc có thêm 200 máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân nặng là vô cùng cần thiết.
Trong đợt dịch thứ 4 này, Bộ Y tế thiết lập Kho dã chiến tại Thành phố Hồ Chí Minh để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Bộ Y tế đã cấp phát 4.975 máy thở (trong đó có 4080 máy HFNC), 191 máy xét nghiệm RT-PCR, 93 máy tách chiết, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu và hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam...
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân số ca mắc trong cộng đồng tăng
Theo dự báo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ ngày 15/8- 22/8, số ca F0 có thể tăng nhẹ. Nguyên nhân, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0.
Với số ca F0 mới tăng trong những qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua phân tích số ca mắc trong tuần từ 13/8 đến 17/8 cho thấy, số ca mắc mới chưa có sự biến động rõ rệt. Chỉ có hiện tượng tăng nhẹ vào 2 ngày 14/8 và 15/8 dao động từ 4.200 - 4.500, sau đó giảm nhẹ trở lại vào ngày 16/8 và 17/8 dao động từ 3.300 - 3.500. Số trường hợp F0 mới có triệu chứng cần phải nhập viện điều trị có sự tăng nhẹ vào 2 ngày 15/8 và 16/8 dao động từ 2.900 - 3.000.
Với mục tiêu thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời người bệnh COVID-19 để điều trị, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn, từ ngày 15/8 đến 22/8 là giai đoạn TP Hồ Chí Minh giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ nhiễm cao.
Theo đó, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ trong giai đoạn này do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0. Cụ thể, ngày 17/8 đã có 1.435 trường hợp F0 phát hiện trong cộng đồng.
Đề xuất hỗ trợ cứu đói hơn 130.175 tấn gạo cho 24 tỉnh, thành phố
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn 2726/LĐTBXH-BTXH gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Số lượng gạo theo đề xuất là 130.175 tấn, để hỗ trợ cứu đói cho gần 8,7 triệu nhân khẩu thuộc 24 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 năm 2021.
Các địa phương được đề xuất hỗ trợ chủ yếu ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh, thành phía Nam, gồm: Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Tây Ninh, Cà Mau, Vĩnh Long, Long An, Kiên Giang, Trà Vinh, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre, Bình Định, An Giang, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.
Mức hỗ trợ cho mỗi nhân khẩu là 15kg gạo trong thời gian một tháng. UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ gạo nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức theo quy định và phù hợp với công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Phát hiện lái xe chở 46 thi thể từ TP Hồ Chí Minh về Bến Tre hỏa táng
Ngày 16/8, Công an TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật đối với Lê Phúc Hậu (28 tuổi), trú tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Từ 9 giờ ngày 15/8 đến 0 giờ 30 ngày 16/8, Lê Phúc Hậu đã vận chuyển ra khỏi TP Hồ Chí Minh 46 thi thể, trong đó có 41 thi thể của bệnh nhân COVID-19.
Theo thông tin ban đầu, rạng sáng 16/8, Công an xã Phú Hưng (thành phố Bến Tre) nhận thông tin từ cơ sở hỏa táng Phúc Lạc Viên (xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre) về việc tiếp nhận 46 thi thể từ TP Hồ Chí Minh để hỏa táng. Người chở thi thể là Lê Phúc Hậu, còn xe tải có biển kiểm soát 64C-07784.
Tuy nhiên, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh chiều 19/8, Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, qua lời khai của lái xe cũng như thông tin từ nhà hỏa táng, chỉ có 36 thi thể được chở từ TP Hồ Chí Minh về Bến Tre hoả táng chứ không phải 46 thi thể như thông tin trước đó.
Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, qua xác minh ngày 16/8, lực lượng chức năng tỉnh Bến Tre đã phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc lái L.P.H (sinh năm 1993, tại xã Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) điều khiển xe tải mang BKS 64C-077.84 chở 36 thi thể tử vong do COVID-19 từ TP Hồ Chí Minh về Bến Tre để hoả táng.
"Lái xe L.P.H điều khiển xe tải trên được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Trà Vinh cấp giấy phép lưu thông ưu tiên vận chuyển con giống, thực phẩm. Tuy nhiên, lái xe H. đã dùng xe này để chở 36 thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 trong 2 ngày với 2 chuyến từ TP Hồ Chí Minh về nhà hỏa táng Phúc Lạc Viên. Nhà hỏa táng này do Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Hưng Viên quản lý. Ngoài ra, 10 thi hài khác được nhà hỏa táng tại Bến Tre xác nhận là không có và lái xe H. khai chỉ vận chuyển 36 thi thể. Lực lượng chức năng đang xác minh lại 10 trường hợp này", Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo cho biết.
Trước đó, ngày 15/8, lái L.P.H (có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ ngày 1/8), chở 18 thi thể từ TP Hồ Chí Minh, trong đó có Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á (Củ Chi), TTYT Quận 11, Bệnh viện Điều trị COVID-19 (huyện Bình Chánh), Bệnh viện Quận 8… và tại các gia đình ở Phường 9 (Quận 8) và Phường 2, Phường 10 (Quận 10) về cơ sở hỏa táng Phúc Lạc Viên (Bến Tre). Đến 0 giờ 30 phút ngày 16/8, L.P.H tiếp tục chở 18 thi thể ở các Phường 7, Phường 4, Phường 16 (Quận 8); Bệnh viện Quận 8; Phường 15 (Quận 8); Bệnh viện Điều trị COVID-19 ở Bình Chánh (xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh)...
Bắt đối tượng trục lợi hơn 60 triệu đồng từ 'sắp xếp' tiêm vaccine phòng COVID-19
Tối 21/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Thị Kim Dung (sinh năm 1989, ngụ Quận 4) để điều tra về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện tài khoản Facebook “Kim Zunf”, có tên thật là Lê Thị Kim Dung (sinh năm 1989, ngụ Quận 4), đăng tin cung cấp “dịch vụ tiêm vaccine COVID-19” tại TP Hồ Chí Minh. Vào cuộc truy xét, Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang khi Dung đang tổ chức cho 2 người đến tiêm vaccine tại Trường Mầm non 10 (Phường 10, Quận 11).
Tại cơ quan điều tra, Lê Thị Kim Dung khai nhận nhờ mối quan hệ cá nhân, có thể sắp xếp, cung cấp các suất tiêm vaccine phòng COVID-19 với giá từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng mỗi liều vaccine. Từ đó, Dung đăng thông tin này lên mạng và “khách hàng” có nhu cầu thì nhắn tin thông tin cá nhân để Dung lập danh sách rồi chuyển tiền thanh toán.
Công an TP Hồ Chí Minh xác định, Lê Thị Kim Dung đã tổ chức trót lọt cho 21 trường hợp không thuộc đối tượng vào danh sách tiêm vaccine trên địa bàn Quận 11 và thu lợi bất chính hơn 60 triệu đồng.