Tổng hợp COVID-19 ngày 19/8: Số ca mắc mới vượt trên 10.000 ca; đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói cho 24 địa phương

Thông tin về COVID-19 nổi bật ngày 19/8 được nhiều người quan tâm là lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới lên đến 10.654 ca; đề xuất hỗ trợ cứu đói hơn 130.175 tấn gạo cho 24 tỉnh, thành phố; xử lý nghiêm việc lợi dụng 'luồng xanh' để chở người, hàng hóa cấm; TP Hồ Chí Minh thành lập 389 Trạm y tế lưu động để quản lý và chăm sóc F0...

Ngày 19/8, Việt Nam có 10.654 ca mắc mới COVID-19

Từ 18 giờ 30 phút ngày 18/8 đến 19 giờ ngày 19/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.654 ca nhiễm mới tại 37 tỉnh, thành phố; trong đó 15 ca nhập cảnh và 10.639 ca ghi nhận trong nước.

Chú thích ảnh
Tất cả người dân được lấy mẫu xét nghiệm trước khi lên xe về quê. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN.

Cụ thể, 10.654 ca nhiễm mới ghi nhận tại: TP Hồ Chí Minh (4.425 ca), Bình Dương (3.255 ca), Đồng Nai (657 ca), Long An (545 ca), Tiền Giang (478 ca), Đồng Tháp (185 ca), Đà Nẵng (164 ca), Khánh Hòa (151 ca), Cần Thơ (134 ca), Tây Ninh (102 ca), An Giang (70 ca), Vĩnh Long (60 ca), Hà Nội (53 ca), Trà Vinh (51 ca), Nghệ An (45 ca), Phú Yên (44 ca), Bình Thuận (43ca), Sơn La (26 ca), Quảng Nam (24 ca), Bình Định (24 ca), Kiên Giang (17 ca), Quảng Ngãi (16 ca), Quảng Trị (9 ca), Bình Phước (8 ca), Bắc Giang (7 ca), Ninh Thuận (7 ca), Hà Tĩnh (7 ca), Hậu Giang (6 ca), Thanh Hóa (6 ca), Bắc Ninh (4 ca), Nam Định (4 ca), Quảng Bình (4 ca), Hải Dương (2 ca), Ninh Bình (2 ca), Bạc Liêu (2 ca), Thái Bình (1 ca), Lạng Sơn (1 ca) trong đó có 6.407 ca trong cộng đồng.

Trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.995 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 694 ca, Bình Dương tăng 742 ca, Đồng Nai tăng 214 ca, Long An tăng 117 ca, Tiền Giang tăng 196 ca.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.180 ca nhiễm).

Số ca mắc và tử vong tại TP Hồ Chí Minh đều tăng trong ngày 19/8

Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại TP Hồ Chí Minh là 4.425 trường hợp, tăng 694 trường hợp; đồng thời Hệ thống thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận có 307 trường hợp tử vong tại thành phố.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong đợt dịch lần thứ 4 này, TP Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 164.342 trường hợp mắc COVID-19; hiện đang điều trị 33.202 trường hợp, trong đó có 1.937 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.302 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Qua điều tra, truy vết, khoanh vùng, đã 5 ngày qua, TP Hồ Chí Minh không phát sinh ổ dịch mới; hiện còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc trong cộng đồng tăng trong thời gian gần đây có nguyên nhân là người dân chủ động đi xét nghiệm và việc tuân thủ giãn cách ở một số địa phương còn chưa nghiêm ngặt.

Đề xuất hỗ trợ cứu đói hơn 130.175 tấn gạo cho 24 tỉnh, thành phố

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn 2726/LĐTBXH-BTXH gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Số lượng gạo theo đề xuất là 130.175 tấn, để hỗ trợ cứu đói cho gần 8,7 triệu nhân khẩu thuộc 24 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 năm 2021.

Các địa phương được đề xuất hỗ trợ chủ yếu ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh, thành phía Nam, gồm: Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Tây Ninh, Cà Mau, Vĩnh Long, Long An, Kiên Giang, Trà Vinh, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre, Bình Định, An Giang, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.

Mức hỗ trợ cho mỗi nhân khẩu là 15kg gạo trong thời gian một tháng. UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ gạo nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức theo quy định và phù hợp với công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.627 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 19/8, số dư Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 8.627 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi), với tổng số 520.345 cá nhân, tổ chức đóng góp.

Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 cho biết, đã xuất quỹ thanh toán 197 tỷ đồng mua vaccine nên số dư quỹ còn là 8.430 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, với 14.500 tỷ đồng ngân sách trung ương bố trí cùng nguồn lực ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 của người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính cam kết sử dụng đúng mục đích đến từng đồng.

Kiểm tra công tác tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine COVIVAC tại Thái Bình

Chiều ngày 19/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng COVID-19 đã tới kiểm tra việc thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 2 vaccine dự tuyển phòng bệnh COVID-19 bất hoạt mới (COVIVAC) tại Trung tâm y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine trong là một trong những chiến lược quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động gặp gỡ, động viên các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế tin tưởng rằng, với sự tham gia, hướng dẫn của các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế, ngành y tế Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt trong nghiên cứu vaccine phòng ngừa COVID-19, tiến tới sản xuất được các loại vaccine với giá cả phải chăng, an toàn và hiệu quả.

“Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đánh giá ngay, nếu kết quả tốt, chọn được liều phù hợp và khẳng định được tính sinh miễn dịch bước đầu, sẽ cho triển khai ngay pha 3. Nếu đánh giá tốt, tháng 12 sẽ có kết quả ban đầu của giai đoạn 3. Vaccine chứng minh được độ an toàn, tính sinh miễn dịch cao, bước đầu thể hiện rõ hiệu quả thì có thể đề xuất Hội đồng đạo đức, Hội đồng cấp phép để xem xét, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp.”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.

Xử lý nghiêm việc lợi dụng 'luồng xanh' để chở người, hàng hóa cấm

Liên quan đến vấn đề cấp thẻ “luồng xanh” cho phương tiện vận tải, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, việc cấp mã QR Code (với đầy đủ thông tin về phương tiện, lộ trình, lái xe và giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực) nhằm mục đích phân loại các phương tiện được ưu tiên lưu thông qua các “luồng xanh” tại chốt kiểm soát, giúp cho các cơ quan quản lý, giám sát việc chấp hành phòng chống dịch của doanh nghiệp và lái xe.

“Các trường hợp lợi dụng chính sách này để trục lợi hoặc vi phạm để chở người, chở hàng hóa cấm, gây lây nhiễm dịch bệnh là hành vi vi phạm pháp luật, cần được tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc kiểm tra đối với phương tiện đã được cấp QR Code phải theo nhiều phương thức: xác suất, tiền kiểm, hậu kiểm. Những phương tiện vận tải hàng hóa chưa được cấp mã QR Code vẫn được lưu thông, song, phải chấp hành sự kiểm tra về y tế đối với lái xe và người phục vụ theo xe, kiểm tra việc chấp hành vận chuyển hàng hóa tại các chốt kiểm soát dịch.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin thêm, tính đến thời điểm hiện tại, 63 Sở Giao thông vận tải trên cả nước đã cấp mã QR Code cho hơn 383.100 xe. Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ đăng ký rất lớn, số lượng hồ sơ sai lệch, thiếu thông tin, không đủ điều kiện lại nhiều dẫn đến có thời điểm thời gian trả kết quả kéo dài.

TP Hồ Chí Minh thành lập 389 Trạm y tế lưu động để quản lý và chăm sóc F0

Chiều 19/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có văn bản khẩn gửi UBND và Trung tâm y tế các quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc triển khai các Trạm y tế lưu động.

Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập Trạm y tế lưu động và sớm triển khai mô hình các Trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị thành lập 389 Trạm y tế lưu động, dự kiến mỗi trạm quản lý và chăm sóc từ 50 - 100 ca F0.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc thành lập các Trạm y tế lưu động nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong.

Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh thông tin vụ chở 46 thi thể từ TP Hồ Chí Minh về Bến Tre

Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, qua lời khai của lái xe cũng như thông tin từ nhà hỏa táng, chỉ có 36 thi thể được chở từ TP Hồ Chí Minh về Bến Tre hoả táng chứ không phải 46 thi thể như thông tin trước đó.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh chiều 19/8, trả lời báo chí về vụ việc phát hiện lái xe tải chở 46 thi thể mắc COVID-19 từ TP Hồ Chí Minh về Bến Tre hỏa táng, Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, qua xác minh ngày 16/8, lực lượng chức năng tỉnh Bến Tre đã phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc lái L.P.H (sinh năm 1993, tại xã Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) điều khiển xe tải mang BKS 64C-077.84 chở 36 thi thể tử vong do COVID-19 từ TP Hồ Chí Minh về Bến Tre để hoả táng.

"Lái xe L.P.H điều khiển xe tải trên được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Trà Vinh cấp giấy phép lưu thông ưu tiên vận chuyển con giống, thực phẩm. Tuy nhiên, lái xe H. đã dùng xe này để chở 36 thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 trong 2 ngày với 2 chuyến từ TP Hồ Chí Minh về nhà hỏa táng Phúc Lạc Viên. Nhà hỏa táng này do Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Hưng Viên quản lý. Ngoài ra, 10 thi hài khác được nhà hỏa táng tại Bến Tre xác nhận là không có và lái xe H. khai chỉ vận chuyển 36 thi thể. Lực lượng chức năng đang xác minh lại 10 trường hợp này", Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo cho biết.

XM/Báo Tin tức
Đề xuất hỗ trợ cứu đói hơn 130.175 tấn gạo cho 24 tỉnh, thành phố
Đề xuất hỗ trợ cứu đói hơn 130.175 tấn gạo cho 24 tỉnh, thành phố

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn 2726/LĐTBXH-BTXH gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN