Nặng lòng tri ân
Ấn tượng của tôi về ông Phan Văn Quý trong thời gian đưa tin về Kỳ họp Quốc hội khóa XIII là những phát biểu ý kiến tâm huyết về phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế biển. Bên cạnh đó là các chính sách người có công, nhất là những góp ý liên quan đến chính sách chăm lo đời sống của các gia đình liệt sĩ, xử lý những tồn tại hậu chiến tranh như chế độ cho nạn nhân chất độc da cam…
Những lần phỏng vấn ông bên lề hành lang Quốc hội khóa XIII về góp ý xây dựng các dự án luật và những kiến nghị chính sách để thực hiện, tôi luôn cảm nhận từ ông mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động và chăm lo người có công.
Trong thời gian là Đại biểu Quốc hội khóa XIII, điều ông trăn trở là những thành tích của nhiều đồng đội chưa được ghi nhận. Đặc biệt, có những tấm gương chiến đấu anh dũng, những quyết định của một số đồng chí lãnh đạo đã làm thay đổi cục diện chiến trường.
Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan, một số người xứng đáng Anh hùng nhưng chưa được tôn vinh. Cuối năm 2015, ông Quý có văn bản gửi Chủ tịch nước đề nghị về vấn đề này và Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản chuyển ý kiến của Chủ tịch nước đến Bộ Quốc phòng để xem xét giải quyết. Sau nỗ lực vào cuộc của nhiều cơ quan, ngày 18/2/2017, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cố Thiếu tướng Võ Bẩm – Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559 (sau này là Bộ Tư lệnh Trường Sơn) và cố Đại tá Lê Xy – Nguyên Chính ủy Bộ đội Trường Sơn.
Tìm hiểu về vị đại biểu Quốc hội khóa XIII này, tôi mới biết ông là người lính lái xe Trường Sơn và được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 23 tuổi.
Tiếp nối truyền thống của người lính Cụ Hồ, sau gần 30 năm trong quân ngũ, ông Phan Văn Quý nghỉ hưu và thành lập doanh nghiệp. Đến nay, sau 20 năm phát triển, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương luôn không ngừng lớn mạnh, thực hiện nhiều dự án lớn. Với những đóng góp trên mặt trận kinh tế, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tri ân liệt sĩ, một cách làm sâu sắc
Thành công trên thương trường, ông Phan Văn Quý có nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện. Từng trải qua chiến trường khốc liệt tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, ông Phan Văn Quý là một trong những thành viên sáng lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, ông tham gia hoạt động nghĩa tình đồng đội, tri ân các anh hùng liệt sĩ…
Hội đã tham gia nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ, hỗ trợ kinh phí giám định ADN cho nhiều hài cốt liệt sĩ; Giúp đỡ tìm kiếm, cất bốc, di chuyển hàng trăm hài cốt liệt sĩ về quê nhà; hỗ trợ cho những gia đình liệt sĩ còn khó khăn…
Khi được hỏi về số tiền đã hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, ông Phan Văn Quý chia sẻ: Vấn đề này cũng khó nói vì là doanh nghiệp. Nói nhiều mà làm ít cũng không hay lắm.
Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi có gặp Trung tướng Lê Văn Hân - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (Hội) để hiểu thêm về những việc làm có ý nghĩa của ông Phan Văn Quý trong công tác tri ân liệt sĩ.
Trung tướng Lê Văn Hân cho biết, ông Phan Văn Quý là thành viên sáng lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và là nhà tài trợ chiến lược, đồng hành cùng Hội tổ chức các hoạt động tri ân liệt sĩ; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận và thụ hưởng các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; Thực hiện chăm lo đời sống vật chất tinh thần như tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và Mẹ Việt Nam anh hùng.
Đặc biệt, liên tục trong 5 năm qua, Tập đoàn đã tài trợ gần chục tỷ đồng để Hội triển khai chương trình giám định gen, xác định danh tính trả lại tên cho hàng trăm hài cốt liệt sĩ theo đề án 150 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ và nghĩa trang liệt sĩ.
“Ngoài việc đồng hành cùng Hội, trong chương trình tri ân, Tập đoàn Thái Bình Dương và ông Phan Văn Quý còn tích cực tham gia và tài trợ cho các hoạt động trong lĩnh vực này ở một số địa phương. Chương trình gần đây là cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”, do Tập đoàn đề xuất ý tưởng, tài trợ kinh phí và phối hợp tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn”, Trung tướng Lê Văn Hân cho biết.
Đặc biệt, Tập đoàn Thái Bình Dương đã có ý tưởng và hợp tác với những nhà điêu khắc nổi tiếng thực hiện một số tác phẩm điêu khắc phác họa chân dung của những tướng lĩnh, anh hùng và những danh nhân có đóng góp lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đến nay, Tập đoàn đã thực hiện được những tác phẩm tượng đồng như “Thực địa chiến trường” - phác họa chân dung tướng Đồng Sỹ Nguyên, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh; tượng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Tố Tâm tại Trường THCS Ứng Hòa B (huyện Ứng Hòa, Hà Nội, quê hương vị Anh hùng); “Sáng tác thơ tại cao điểm Siêng Phan” - khắc họa chân dung cố nhà thơ Phạm Tiến Duật đã được UBND tỉnh Phú Thọ đồng ý sẽ đặt tại công viên Văn Lang của tỉnh...
"Tôi cho rằng việc làm này không những tri ân những người có công, mà còn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật được lưu truyền để giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này hiểu hơn về cội nguồn lịch sử dân tộc và nuôi dưỡng nét đẹp tinh thần Việt Nam", Trung tướng Lê Văn Hân nhận xét.
Việc trả lại tên tuổi cho những liệt sĩ chưa có tên vẫn là nỗi day dứt với những người Hội gia đình liệt sĩ Việt Nam, chính vì vậy ông Phan Văn Quý và Tập đoàn Thái Bình Dương tiếp tục đồng hành cùng với Hội thực hiện nghĩa cử tri ân các anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ trong những năm tới, đặc biệt trong chương trình giám định gen cho các liệt sĩ.